Tại TP. Đà Nẵng: Mưa kèm gió lớn đã khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường gãy đổ ngổn ngang. Lực lượng chức năng phải huy động nhân lực để cắt tỉa, thu dọn ngay trong bão để đảm bảo an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành chốt chặn dưới chân đèo Hải Vân không cho người và các phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đèo.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, đã huy động 100% quân số (510 người), thành lập 7 phân đội cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với các loại phương tiện gồm: 5 tàu, 18 xuồng, ca nô; 22 xe ô tô các loại; tổ chức neo, đậu tàu thuyền tránh trú bão và sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Thiếu tá Trần Viết Hợi, Phó Tiểu đoàn trưởng - Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có thông báo về bão số 6. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng điều 4 xe thiết giáp của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 để chuẩn bị làm nhiệm vụ.
Trong đó, 3 xe cơ động đến trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, 1 xe cơ động đến UBND quận Liên Chiểu. Các xe thiết giáp này có thể hoạt động trong mưa bão với sức gió 120km/giờ, đồng thời có thể lội nước với chiều sâu 0,8m. Mỗi xe có thể chở được từ 15 người trở xuống, phù hợp với công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân trong vùng ngập lụt, thiên tai.
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, căn cứ vào diễn biến thực tế, đến sáng ngày 27.10, thành phố đã sơ tán 1.677 hộ dân/6.205 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, lưu ý các lực lượng cứu hộ về nguy cơ cao mưa lớn sẽ gây ngập úng tại đô thị và vùng thấp trũng.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 6 năm 2024 và mưa lớn do bão gây ra, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ của Ban là chỉ huy phòng, chống, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do bão số 6 và mưa lũ gây ra trên địa bàn thành phố; thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 6 do Thủ tướng Chính phủ thành lập (nếu có); thời gian làm việc bắt đầu từ 7 giờ ngày 27.10 đến 10 giờ ngày 28.10.
Tại Thừa Thiên Huế: Mưa lớn kèm gió mạnh ở khu vực phía Nam (huyện Phú Lộc) khiến xe cộ di chuyển khó khăn. Trên QL1A đoạn qua khu vực phía Bắc hầm Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), một xe tải bị lật trên đường khiến giao thông bị tê liệt.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến nước sông Hương lên cao bắt đầu tràn lên Đập Đá (đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế). Lực lượng chức năng phải lập rào chắn, bố trí lực lượng để không cho người và phương tiện lưu thông. Khu vực nội thành cũng có nhiều đoạn đường bị ngập sâu.
Tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong 2-3 ngày tới mưa lớn vẫn còn tiếp tục, do đó các địa phương trên địa bàn tỉnh cần phải lưu ý đến các vùng thấp trũng, ngập cục bộ. Chủ động nắm bắt thông tin để kịp thời ứng cứu cho người dân.
Đối với những điểm có nguy sạt lở, cần chủ động các phương án di dời để đảm bảo an toàn cho dân, nhất là những nơi có đông dân cư; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Đối với công tác di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện các địa phương đã rà soát phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão, lũ, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất: 10.251 hộ/32.665 khẩu. Đến 7h ngày 27.10, đã di dời 815 hộ/1842 khẩu; tỉnh đã thực hiện cấm người dân không ra đường khi có gió mạnh; duy trì lực lượng công an, biên phòng, quân đội và ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn.