Theo đó, Biên bản ghi nhớ được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trong công tác phối hợp, hợp tác giữa hai bên về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới số liệu quá khứ; dự báo năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cũng như nghiên cứu chuyển giao và đào tạo, tập huấn phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường kỳ vọng việc tăng cường hợp tác giữa ngành điện và ngành khí tượng thủy văn sẽ giúp bảo đảm tính chính xác, kịp thời của các dự báo về nguồn năng lượng tái tạo, từ đó hỗ trợ EVN trong công tác điều hành, phân bổ và phát triển nguồn điện một cách hiệu quả, ổn định và bền vững.
Mặt khác, việc tích hợp các dữ liệu khí tượng thủy văn vào quá trình vận hành và quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, tính đến cuối năm 2024, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 85.335MW. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 26,5% (22.648MW), quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cung cấp điện cho gần 100 triệu dân trên cả nước.
Tại COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải methane vào năm 2030 so với 2010 và chuyển đổi các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đây là những mục tiêu quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ tổ chức, cá nhân, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị cung cấp điện chính, đóng vai trò cốt lõi trong việc chuyển dịch năng lượng, giảm phụ thuộc vào than và bảo đảm an ninh năng lượng, EVN đang tận dụng các cơ chế này để mở rộng phát triển năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng và bảo đảm cung cấp điện ổn định.
Lãnh đạo EVN cũng khẳng định, sự hợp tác với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu qua Bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn 2025 - 2030 là bước ngoặt quan trọng.
MOU giúp EVN tiếp cận dữ liệu dự báo chính xác về bức xạ mặt trời, gió và các yếu tố khí tượng, từ đó hỗ trợ trong việc tính toán sản lượng phát trong dự báo cũng như trong thanh toán đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Ngoài ra, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp EVN chuyển dịch năng lượng thành công theo yêu cầu của Chính phủ.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết, Bản ghi nhớ giữa EVN với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu mà hai bên ký hôm nay mở ra các cơ hội mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, phát huy lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay, đây không chỉ là sự kiện đánh dấu cột mốc hợp tác giữa hai bên mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chia sẻ dữ liệu và phát triển các giải pháp hỗ trợ để kịp thời phục vụ triển khai Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3.3.2025 của Chính phủ.
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cam kết phối hợp chặt chẽ với EVN để thực hiện hiệu quả các nội dung đã thống nhất; đồng thời phát huy thế mạnh về nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn và cung cấp các dữ liệu, phân tích khoa học phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của EVN, hỗ trợ công tác điều phối và hoạch định chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam.