Để chính sách là động lực phát triển
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành gồm 1 chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động (chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động) và 4 chế độ hỗ trợ người lao động (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế). Vì vậy, cần bổ sung thêm biện pháp để hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong vấn đề tuyển và sử dụng lao động, đặc biệt là đối với nhóm lao động đặc thù….
Hiện nay, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể trong mục 2, mục 3 và mục 4, Chương VI của Luật Việc làm có 10 Điều (từ Điều 47 đến Điều 56) với 4 chế độ. Trong đó, có 3 chế độ cho người lao động (ngoài ra người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế) và 1 chế độ cho người sử dụng lao động (gắn với trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động) thể hiện ý nghĩa của chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện tại Việt Nam không chỉ hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi mất việc làm (trợ cấp thất nghiệp) mà còn gắn với chính sách thị trường lao động, nhất là chính sách theo hướng chủ động, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề) và duy trì việc làm của người lao động.

Bên cạnh đó, về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề trong Luật Việc làm có quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đây là chế độ mới của chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2013 nên trong giai đoạn đầu xây dựng chính sách, quy định các điều kiện hưởng chế độ này phải chặt chẽ. Sau đó, tùy theo tình hình thực tế để mở rộng dần điều kiện hưởng cho phù hợp nhằm đảm bảo nguyên tắc an toàn quỹ để thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp cho người lao động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong luật hiện hành còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Trong đó, chưa chú trọng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đây là yếu tố quan trọng để người lao động tham gia vào thị trường lao động. Trong khi, sau gần 5 năm thực hiện theo quy định Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.
Do đó, cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã báo cáo Chính phủ giảm điều kiện hưởng chế độ này khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP (ngày 29.5.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP). Nhưng, về cơ bản điều kiện hưởng chế độ này vẫn còn khá chặt chẽ. Vì vậy, theo báo cáo của các địa phương, tính tới hết tháng 3.2024, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.
Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề
Theo các chuyên gia, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là giải pháp phòng ngừa thất nghiệp, hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi mất việc làm mà còn phải gắn với chính sách thị trường lao động. Cụ thể, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động thì việc đào tạo phát triển kỹ năng nghề, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề cho người lao động là yếu tố quan trọng mà chính sách cần hướng tới.
Hiện nay, khung trình độ quốc gia được quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Thông tư số 56/2015/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội và việc tham chiếu, công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN và thế giới chưa cao.

Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra giải pháp “Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề, nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề, nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 - 2030”. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới quy định: “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề”.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển kỹ năng nghề còn hạn chế, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp chưa chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và phát triển kỹ năng. Trong khi, trên thế giới hiện có hơn 30 quốc gia áp dụng có hiệu quả mô hình Hội đồng kỹ năng ngành, nghề, được Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị thúc đẩy phát triển. Việt Nam đang được tổ chức quốc tế hỗ trợ thí điểm các mô hình Hội đồng kỹ năng nghề (Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp; Hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực khách sạn, du lịch; Hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực logistic).
Bên cạnh đó, hiện hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được kiện toàn, quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực (nhân lực, thiết bị, tài chính), nhất là đội ngũ đánh giá viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nhiều nghề đã có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhưng chưa được tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ cho người lao động.
Hiện toàn quốc chưa có nghề nào được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc 4 và 5. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Do đó, chưa tạo thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, chưa thu hút người lao động nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Cùng với đó là chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Chưa có quy định về nguồn kinh phí trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và phát triển kỹ năng nghề. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được đảm bảo.
Do đó, việc quy định chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề và phát triển kỹ năng của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao; nâng cao khả năng dịch chuyển việc làm trên thị trường lao động; thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; giúp người sử dụng lao động tuyển, sử dụng nguồn lao động chất lượng, hiệu quả… Từ đó, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, giảm tải tình trạng thất nghiệp.