Bảo đảm nguồn lực nhất định để triển khai các chính sách
Theo tính toán của cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi), khi triển khai thực hiện các giải pháp sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; sửa đổi, bổ sung chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm… (trừ quy định hỗ trợ trong các bối cảnh đặc biệt vì việc đề xuất chính sách giao Chính phủ quy định dựa trên tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp) thì chi phí phát sinh tăng mỗi năm khoảng 1.819 tỷ đồng, chiếm 7,9% thu bảo hiểm thất nghiệp.

Trong điều kiện bình thường như năm 2020 có thu hơn chi 1.899 tỷ đồng, nếu thực hiện các chính sách theo Luật Việc làm (sửa đổi) thì thu chi bảo hiểm thất nghiệp cơ bản là cân bằng, trường hợp chi vượt thu do số người hưởng tăng hoặc có các chính sách hỗ trợ trong các trường hợp đặc biệt như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh thì sẽ lấy từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2023 khoảng trên 60.000 tỷ đồng.
Mặt khác, theo quy định hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hàng năm bằng 2 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề, tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp - tối đa bằng 50% thu bảo hiểm thất nghiệp hàng năm thì quỹ vẫn đảm bảo nguồn lực nhất định để triển khai các chính sách theo quy định Luật Việc làm (sửa đổi).
Hướng đến tính chủ động, phòng ngừa
Theo các chuyên gia, với việc sửa đổi quy định “nới lỏng” hơn cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí, giảm chi phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo người lao động trong trường hợp chuyển đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, hay trong trường hợp cam kết chuyển đổi năng lượng; hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển và sử dụng lao động là người khuyết tật, góp phần giúp người sử dụng lao động ổn định hoạt động. Bởi người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi gặp các khó khăn trong các trường hợp bất khả kháng như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...

Còn đối với tất cả người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề - đối với thời gian người lao động tham gia học nghề mà không có việc làm và không hưởng trợ cấp thất nghiệp; được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi gặp các khó khăn trong các trường hợp bất khả kháng như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.. góp phần duy trì, bảo đảm việc làm cho người lao động, phòng ngừa thất nghiệp.
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với Nhà nước, việc sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, góp phần giảm thất nghiệp, ổn định, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các giải pháp này cũng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước; bảo đảm khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.