Hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí
Theo các chuyên gia, nếu Luật Việc làm lần này sửa đổi, bổ sung điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cũng như sửa đổi bổ sung chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm… không chỉ giúp cho người sử dụng lao động mà cả người lao động có điều kiện để tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, từ đó quay trở lại tham gia thị trường lao động sẽ giúp hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp…
Thông tin từ cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cho biết, giai đoạn 2015-2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020 có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm khoảng 6 - 8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng, xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.

Chính vì vậy, với mục tiêu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW thì cần đẩy mạnh việc hỗ trợ người sử dụng lao động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, cũng như tham gia bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Bên cạnh đó, kịp thời hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các tình huống đột xuất như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...
Theo đó, khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 6,5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm, tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp.
Các giải pháp trên cũng sẽ giúp giảm chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề nên người lao động sớm quay trở lại thị trường, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.
Có việc làm sẽ giảm trợ cấp thất nghiệp
Theo tính toán của các chuyên gia, việc “nới lỏng” quy định tạo điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ phát sinh tăng chi cho chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Với giả định mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa trong 6 tháng, nếu hỗ trợ 5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc trong doanh nghiệp, tương đương khoảng 730.000 người, với thời gian đào tạo thực tế khoảng 4 tháng thì chi phí phát sinh tăng khoảng 2.900 tỷ đồng, chiếm 12,6% thu bảo hiểm thất nghiệp trong năm.

Cùng với đó là phát sinh tăng chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay chưa có giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo dự kiến, với đơn giá khoảng 75.000 đồng/lượt/người, nếu hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 2 triệu lượt người/năm, chi phí phát sinh khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó là phát sinh tăng chi phí hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Theo đó, giả định mức hỗ trợ học phí là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng; mức hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người/tháng đối với người không hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu hỗ trợ 100.000 lao động/năm, trong đó có 50% thời gian học nghề mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chi phí phát sinh mỗi năm là 1.200 tỷ đồng.
Với việc “nới lỏng” quy định tạo điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phát sinh tăng chi phí hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật.
Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động việc làm và điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2023 có 31% trong tổng số 6,4 triệu người khuyết tật có khả năng lao động (khoảng 2 triệu người).
Giả sử chính sách này giúp thu hút được 10% người khuyết tật có khả năng lao động, với mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là 6 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 1% mức tiền lương tháng thì số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng năm khoảng 144 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, còn phát sinh tăng chi phí quản lý do bổ sung một số hoạt động chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến mỗi năm tăng khoảng 50 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 841 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể giảm hoặc hưởng với thời gian ngắn hơn thì chi cho trợ cấp thất nghiệp cũng giảm. Nếu mức hưởng bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 5 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 2.625 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm.