Chủ động ứng phó bão số 6 gây mưa lớn ở Trung Bộ và gió mạnh, sóng lớn trên biển

Sáng 25.10, tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 6. 

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, chuẩn bị tốt các kế hoạch ứng phó với bão số 6. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn tại khu vực miền Trung. Do vậy, để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của bão số 6, các bộ, ngành, địa phương ven biển miền Trung cần thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24.10 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão Trà Mi và Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22.10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ứng phó với bão Trà Mi gần Biển Đông.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Nhận định về diễn biến bão số 6, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đến 8 giờ ngày 25.10, cường độ bão đã tăng lên cấp 10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Dự báo trong 24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên cấp 12. Khi vượt qua phía Bắc khu vực Trường Sa, Hoàng Sa thì cường độ bão có xu hướng suy yếu do có tác động của không khí lạnh còn cấp 10-11.

Đường đi của bão số 6 vào lúc 10h ngày 25/10/2024. Ảnh: TTXVN phát
Đường đi của bão số 6 vào lúc 10h ngày 25/10/2024. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện nay ở phía Đông của Philippines có áp thấp nhiệt đới, trong 24-48 tiếng tới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển đến phía Đông Bắc của đảo Luzon (Philippines) nên có sự tương tác của bão đôi làm cho bão số 6 dịch chuyển ra ngoài và suy yếu. Song trên ảnh mây vệ tinh thể hiện hoàn lưu của bão số 6 là rất rộng và lệch về phía Tây.

"Khu vực Bắc và giữa Biển Đông là vùng tác động chính của gió mạnh và phía Nam của Biển Đông có gió Tây Nam mạnh. Với hướng di chuyển như trên, từ chiều 26.10, khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, khi bão số 6 đến gần tăng lên cấp 8-9. Cùng với đó, từ tối và đêm 26- 29.10, ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa ở từ Hà Tĩnh vào đến Phú Yên, trong đó vùng mưa lớn tập trung từ Quảng Trị - Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai với lượng mưa từ 200-300mm", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.

Đề cập đến hiện trạng hệ thống đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, hiện còn tồn tại 72 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận) và 5 công trình đang thi công (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên).

Thông tin về tình hình tàu thuyền, theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 25.10, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm (hoạt động khu vực Bắc Biên Đông và khu vực Hoàng Sa 35 tàu/184 người; hoạt động khu vực khác 8.595 tàu/47.917 người; neo đậu tại các bến: 58.218 tàu/259.721 người). Ngoài ra, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển phòng tránh.

Môi trường

Người Hà Nội “khát” đô thị xanh, ủng hộ chính sách hạn chế phương tiện gây ô nhiễm
Xã hội

Người Hà Nội “khát” đô thị xanh, ủng hộ chính sách hạn chế phương tiện gây ô nhiễm

Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất, chiếm 50-70%, chủ yếu đến từ hàng triệu xe máy và ô tô sử dụng xăng dầu trên đường phố mỗi ngày. Theo các chuyên gia, để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải xanh hóa những “trạm phát thải di động” gây ô nhiễm này.

Hành trình 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam
Xã hội

Hành trình 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam

Sáng 22.10, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo thông tin chương trình “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích”, nhìn lại chặng đường gần 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật và tôn vinh các cơ quan, tổ chức có nhiều đóng góp trong nỗ lực bảo vệ gấu tại Việt Nam.

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu": Thành quả nghiên cứu của Tây Ban Nha - Việt Nam
Môi trường

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu": Thành quả nghiên cứu của Tây Ban Nha - Việt Nam

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam đã nâng cao sự hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống. 

Tập trung nguồn lực nâng cao sức khỏe đất, hướng tới phát triển bền vững
Môi trường

Tập trung nguồn lực nâng cao sức khỏe đất, hướng tới phát triển bền vững

Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, duy trì an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp bền vững… Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Hà Nội hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát
Môi trường

Hà Nội hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát

Ngày 8.10, theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 924/QĐ-STNMT-KHTC (ngày 4.10) Quyết định về việc hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đợt 1) gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát); Mỏ Tây Đằng - Minh Châu; Mỏ Châu Sơn theo Quyết định số 889/QĐ-STNMT-KHTC ngày 16.8.2023 của Sở Tài nguyên - Môi trường.