Nguy cơ chệch hướng trong hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối chính trị
Gần 100 năm trước, V. I. Lenin không ngừng cảnh báo đối với các đảng cộng sản và công nhân về nguy cơ này. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nghiêm khắc nhắc nhở Đảng ta luôn đề phòng sự xuất hiện và diễn biến của nguy cơ, thách thức chệch hướng chính trị này đối với mình. Vì, sự chệch hướng trong hoạch định đường lối và sự đổ vỡ về thực thi đường lối đồng nghĩa với sự cáo chung về vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng. Bài học xương máu về sự tan vỡ của một số đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cách đây hơn 30 năm cảnh báo hết sức nghiêm khắc điều đó.
Tình trạng cơ hội chính trị, thực dụng chính trị về tư tưởng chính trị và hành động chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong hoạch định đường lối, trong quyết nghị ở các cấp ủy, nhất là một số người đứng đầu, đang tồn tại rất tinh vi, có mặt đang lan rộng. Tệ "địa phương hóa", "cục bộ hóa", "cát cứ hóa" đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng kiểu lợi dụng sự đặc thù để ban hành cái gọi là "chính sách riêng", "chính sách đặc thù" nhằm mưu đồ phục vụ “lợi ích nhóm” đi ngược lại đường lối chung; thậm chí để lọt lộ thông tin, bán thông tin... đã diễn ra ở một số phương diện, tạo nên tình trạng vừa vô tổ chức, vô kỷ luật, vừa cát cứ, khép kín, cục bộ có nguy cơ “băm nhỏ đường lối” hoành hành trong không ít tổ chức đảng.
Tình trạng bảo thủ, trì trệ, tụt hậu, đổi mới vô nguyên tắc về lý luận chính trị trong hoạch định đường lối chính trị đã và đang tồn tại trong không ít người, ở không ít nơi. Sự "đóng cửa", "khép kín" trong tư duy, ngại đổi mới hay nói chính xác hơn, không chịu thâm nhập vào thực tiễn, đã hạn chế họ. Mặt khác, một số tự cho mình là "đúng đắn", rồi tự bằng lòng và tự ràng buộc mình vào những định đề có sẵn nhưng đã lạc hậu, quẩn quanh trong những nhận thức đã trở thành cố hữu, lỗi thời, đã bị cuộc sống vượt qua và vô hình biến thành trở lực đối với công cuộc đổi mới. Đồng thời, một bộ phận nhân danh đổi mới, xa rời các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, thậm chí đòi xét lại đường lối chính trị của Đảng.
Tình trạng cố tình làm biến dạng đường lối chính trị, dưới mọi hình thức trong việc thực hiện; tệ hại hơn, họ nhân danh đổi mới, sáng tạo một cách vô nguyên tắc, cố tình làm sai lạc việc hoạch định và thực hiện hóa đường lối chính trị cũng đang xuất hiện ở đây đó, thậm chí không ít nơi. Họ coi nhẹ những vấn đề có tính nguyên tắc, bất chấp nguyên tắc, kỷ luật, luồn lách tìm và lợi dụng những sơ hở của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thậm chí có người, có tổ chức cố tình làm trái ở quy mô tập thể những quy định chung đó để mưu lợi cho họ, cho phe nhóm của họ, phá rối tình hình...
Một lần nữa, xin nhắc lại vào năm 1994, sự cảnh báo nguy cơ này, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, càng trở nên cấp bách và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đó là sự tiên liệu đúng đắn trong tiến trình tổng kết nghiêm khắc về thực tiễn cầm quyền, sự phát triển sáng tạo với tinh thần tự phê bình trong xây dựng, phát triển lý luận cầm quyền và sự dũng cảm chính trị về trọng trách cầm quyền ngày càng phức tạp, khó khăn mà Đảng được lịch sử và Nhân dân trao cho trọng trách.
Nguy cơ buông lỏng, làm trái nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng
Ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức, thành "con dao hai lưỡi" để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, phường hội họ, không ít người rắp mưu "chui sâu, leo cao" vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Tệ hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành "bầu trời riêng"... để thực thi mưu đồ cá nhân, phe nhóm, phường hội...
Mặt khác, không ít người biến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thành cái gọi là "vũ khí" rất màu nhiệm để tâng bốc, tán dương nhau nhưng lại nhân danh "thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương" (V.I. Lenin) thực thi mưu đồ vu vạ, hãm hại đồng chí, hạ nhục và loại bỏ những người không cùng cánh với họ, để gây rối nội bộ Đảng nhằm vinh thân phì gia, "đục nước béo cò", duy tồn lợi ích phe nhóm... Điều lệ và kỷ luật của Đảng là pháp luật trong Đảng bị không ít người ở một số tổ chức đảng biến thành "thanh kiếm phường chèo" với phe cánh họ, nhưng lại là lưỡi gươm oan nghiệt đối với đồng chí, nhất là những người trung thực, dũng cảm đấu tranh với các tệ nạn trong Đảng mà họ là thủ phạm. Núp dưới chiêu bài "giữ nghiêm kỷ luật", họ "thanh lọc đội ngũ" một cách có lợi cho họ. Thực chất, họ đã vô hiệu hóa sức mạnh của kỷ luật, của Điều lệ Đảng, biến tổ chức đảng thành "vương quốc", “khoanh vùng kỷ luật”… nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân, vô hình tạo nên nạn bè phái, cát cứ trong tổ chức đảng và trong Đảng.
Vì thế, sự đồng thuận của số đông một cách giả trá đã đi ngược bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi quyết định của số đông không có đầy đủ thông tin, hoặc bị nhiễu loạn thông tin chi phối, khi người đứng đầu cố tình không cung cấp đầy đủ theo ý đồ cá nhân hoặc phe nhóm đã đẩy số đông quyết định phụ thuộc vào mưu toan dẫn dắt của họ. Thiếu thông tin là môi trường thuận lợi cho thiểu số có thể vụ lợi thao túng, gây nhiễu loạn, lèo lái dư luận, khiến số đông không thể quyết định chính xác. Và, khi người đứng đầu bóp méo nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”, các quyết định được “hùa theo số đông”; và, khi mắc sai lầm, người đứng đầu an toàn “náu mình” trong số đông được ngụy trang bởi vỏ bọc dân chủ. Theo đó, việc thực thi méo mó nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên nhân làm cho không ít quyết định ra sai lầm, là “lô cốt” nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bè phái, tham nhũng, tiêu cực.
Có thể nói, với sự hành xử như vậy, nguyên tắc đó của Đảng đã bị bóp méo, cắt xén; và cách họ đã tự biến mình thành những người tha hóa, làm công cụ chà xéo lên đoàn thể và phá hoại tổ chức; biến những tổ chức đảng nơi họ phụ trách và sinh hoạt thành hoặc là tổ chức hữu danh vô thực hoặc bị tê liệt, mất sức chiến đấu hoặc “vật sở hữu” sặc mùi phe nhóm, phường hội.
Một nguy cơ nữa, đó là sự mất đoàn kết thống nhất, mà một số người đứng đầu là sự “kết tụ” dưới đủ hình thức và cấp độ vừa cát cứ, hẹp hòi, vừa phân ly, cục bộ… Đây là con đường ngắn nhất tự thủ tiêu mình và làm tê liệt sức mạnh tập trung của toàn Đảng. Tệ "anh hùng nhất khoảnh", “trên có chính sách, dưới có đối sách”, tệ đồng nhất tổ chức đảng với người đứng đầu bộ máy đảng... không còn là sự hiếm hoi. Vô hình điều đó thổi phồng và làm trầm trọng hơn tệ cục bộ, bè phái… trong không ít tổ chức đảng, biến tổ chức đảng thành “của riêng”, thậm chí thành “đảng kiểu phong kiến”, thủ tiêu sự thống nhất trong Đảng.
Điều hết sức đáng lo ngại là, sự phân ly về tư tưởng, lỏng lẻo, rệu rã về tổ chức, coi thường các nguyên tắc hoạt động của Đảng diễn ra trong một bộ phận đáng kể cán bộ, đảng viên và ngay trong lòng một số tổ chức đảng, ở một số nơi tới mức không thể xem thường. Thứ "đạo đức ba mặt" (trước cấp trên, với công luận, trước cấp dưới), thói hành xử "lá mặt lá trái" (trong cuộc họp đối lập với ngoài hành lang), tệ "bằng mặt nhưng không bằng lòng"; cấp dưới không phục tùng cấp trên... đang tồn tại trong không ít cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên giữ trọng trách của cấp ủy; bộ phận không phục tùng toàn thể, thậm chí đi ngược lại tập thể... đang diễn ra ở một số tổ chức đảng...
Điều báo động nhất là sự thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ một cách máy móc, thiếu ghi nhận, ủng hộ ý kiến xây dựng của thiểu số là mầm mống tạo nên đẳng cấp và thảm trạng mất dân chủ trong Đảng.
Không ít tập thể ra quyết định nhưng bỏ qua ý kiến thuộc về thiểu số, ngay cả khi đó có thể là những ý tưởng tốt, tư tưởng phát triển đúng đắn. Và, khi những người đứng đầu không dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, phớt lờ, xem nhẹ, thậm chí trù dập ý kiến khác của thiểu số thì có thể sẽ bỏ qua những cơ hội phát triển của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, nếu áp dụng nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” một cách máy móc sẽ rất dễ dẫn đến làm nhụt chí của cán bộ, thậm chí làm “thui chột” cán bộ tâm huyết, có tư duy độc lập, đổi mới và sáng tạo.
Tất cả thực trạng đó tích tụ thành nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, thủ tiêu vai trò, sức mạnh chiến đấu ở không ít tổ chức đảng; đến lượt nó, tổ chức đảng bị vô hiệu hóa, bị tước bỏ hoặc bị thủ tiêu sức mạnh của một tổ chức lãnh đạo và chiến đấu.
Nguy cơ xa rời cơ sở xã hội - chính trị của Đảng, làm rối loạn hệ thống chính trị
Nguồn gốc làm nên sức mạnh vô địch của Đảng là sống và trưởng thành trong lòng Nhân dân và dân tộc. Đó là bản chất nhân văn của Đảng. Vì, Đảng là "đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động", "một lòng một dạ tận tụy phụng sự Nhân dân", vì "Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam", "không thiên tư thiên vị" nên sinh thành, sống trong lòng và trưởng thành từ trong lòng nhân dân là lẽ tự nhiên, sự sống còn của Đảng.
Nhưng hiện nay, không ít tổ chức đảng, đảng viên đi ngược lẽ tự nhiên ấy. Họ sống và làm việc theo kiểu "bề trên" quan liêu, cách bức với cơ sở, xa lánh, thậm chí “trốn tránh” Nhân dân. Một số người đối xử lạnh nhạt, chà đạp, thậm chí đi ngược quyền lợi của Nhân dân, gây bao nỗi ưu phiền, bức xúc, thậm chí phẫn nộ trong Nhân dân, làm tổn hại thanh danh và uy tín của Đảng. Một số tổ chức đảng, dưới sự chi phối hoặc cầm đầu của một số người hoặc bị vô hiệu hóa hoặc đã đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, không còn xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân. Sự tự đánh mất vị thế, vai trò cầm quyền và tự sụp đổ của một số đảng cộng sản cầm quyền ở một số nước có nguyên nhân bắt đầu từ sự vi phạm lẽ tự nhiên xương máu này.
Là người lãnh đạo, cầm quyền, nếu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng cơ sở xã hội - chính trị tới mức nào đó nhất định dẫn Đảng mất phương hướng về chính trị, rối loạn về tổ chức và tha hóa của đảng viên, gây mất đoàn kết trong các thành viên của hệ thống chính trị, làm tổn hại tới sự thống nhất của thể chế và sự ổn định của chế độ.
Nguy cơ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, băng hoại về phẩm hạnh và lối sống, sa vào tham nhũng, quan liêu
Tệ cơ hội chính trị, thực dụng chính trị, thói vô chính trị, sự băng hoại về phẩm hạnh đạo đức chính trị, về phong cách, lối sống... của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp, đang gây nhức nhối đối với toàn Đảng, gây bất bình, oán thán trong Nhân dân.
Điều đáng lo ngại là, họ nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức để làm những việc đồi bại, táng tận lương tâm: tham nhũng, ăn cắp của công, bòn rút của cải của Nhà nước, của nhân dân, mua quan bán chức, chạy chức, chạy quyền, chạy lợi, chạy tội... Tình trạng "phai Đảng", "nhạt Đảng"... đang nhiễm trong không ít cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân, tệ tham nhũng - những "giặc nội xâm" đang lan rộng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người giữ trọng trách.
Nếu không kiên quyết chủ động ngăn chặn một cách căn cơ, hiệu quả thì hiểm họa "tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ" sẽ cận kề, như đã từng xảy ra đối với một số đảng cộng sản cầm quyền.
Vì sao như vậy? Thực tiễn cho thấy rằng, đó là hệ quả của sự ấu trĩ về nhận thức, sự non nớt trong tổ chức thực tiễn hoặc thiếu hiểu biết hoặc bị ngự trị bởi thứ tư tưởng vừa chủ quan, nóng vội vừa bảo thủ, trì trệ của chủ nghĩa kinh nghiệm. Đồng thời, thực trạng đó bị chi phối và ngự trị bởi chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng gia trưởng phong kiến đẳng cấp, trật tự vô lối, dưới đủ màu sắc và mức độ. Vì quyền lợi của cá nhân mình, của cánh hẩu mình, của phường hội mình, của địa phương mình... họ cố tình cắt gọt nguyên tắc này sao cho “vừa ý” để mưu đoạt những quyền lợi riêng. Đó là, tình trạng độc đoán, chuyên quyền (về tư tưởng cũng như hành xử), phường hội, cát cứ kiểu phong kiến; tình trạng trù dập, thậm chí loại trừ nhau một cách “sạch sẽ” bằng cách cắt xén nguyên tắc này. Chủ nghĩa cá nhân là lợi mình hại người, chính là "kẻ thù bên trong", "là giặc nội xâm". Sự lệch lạc trong thực thi đó được dung dưỡng trên cơ sở đem đối lập cá nhân riêng lẻ với tập thể, với xã hội; và vì lợi ích vị kỷ của một cá nhân (một nhóm người) sẵn sàng chà đạp lợi ích chung.
Những thực trạng trên đây được dung dưỡng bởi chủ nghĩa thực dụng. Là con đẻ của chủ nghĩa thực dụng vì họ chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích trước mắt cho họ mà không quan tâm đến những mặt khác, người khác; họ hành động bất chấp quy luật, bất chấp cả đạo lý và chân lý, họ sẵn sàng chà đạp lên nguyên tắc, lên lợi ích chung của Đảng cốt mưu chiếm lấy lợi ích cho mình, cho phe nhóm mình.
Ở một góc nhìn khác, có thể nói, những thực trạng đó là con đẻ của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cực đoan tiểu tư sản, chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa giáo điều hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh một cách tinh vi. Nói chính xác, chúng là những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội. Chúng giống như những con rắn nước lượn lờ, uốn éo giữa dòng nước xiết. Chúng phủ nhận sự cần thiết phải có một chế độ tập trung và kỷ luật, nghĩa là biến đảng thành một câu lạc bộ tranh cãi không ngớt, mất khả năng hoạch định đường lối chính trị, dĩ nhiên không thể có một chương trình hành động thống nhất. Chúng cổ vũ cho thói hành xử “gió chiều nào che chiều ấy”, coi thường nghị quyết của Đảng, nói một đường làm một nẻo. Chúng chủ trương lợi dụng các kẽ hở của kỷ luật đảng, của pháp luật nhà nước, lạm dụng lòng tốt của đồng chí mình nhằm mưu đoạt lấy những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm ấy đúng hay sai… một cách thất nhân tâm, phi đạo lý và phi tính đảng. Cốt lợi mình hại người, chính là "kẻ thù bên trong". Đối lập cá nhân riêng lẻ với tập thể, với xã hội; và vì lợi ích vị kỷ của một cá nhân (một nhóm người) sẵn sàng chà đạp lợi ích chung chính là “giặc nội xâm”.
Cuối cùng, có thể nói, sự phá hoại của kẻ thù của Đảng từ bên ngoài (và cả bên trong nội bộ) đã góp phần thổi bùng và làm trầm trọng hơn thực trạng trên. Bởi, từ hàng thế kỷ qua chiến lược “đục ruỗng bên trong, gây bão từ bên ngoài” đã được chúng thường xuyên áp dụng. Đó cũng chính là âm mưu kích động làm cho Đảng tự tan rã từ việc xa rời những nguyên tắc cơ bản, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tới sự chia rẽ, gây phân liệt, tạo sự đối lập trong toàn bộ hệ thống đảng hoặc biến Đảng thành một câu lạc bộ cãi vã, mất sức chiến đấu nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng, nhằm thủ tiêu Đảng ta, trước hết trên phương diện chính trị và tổ chức.
Tất cả những điều đó gây ra hậu quả cực kỳ tai hại: Bầu không khí trong nội bộ Đảng nặng nề, trầm uất, căng thẳng; tinh thần đoàn kết thống nhất bị phá vỡ, tạo nên tình trạng phân lập, bè cánh... trong Đảng, làm cho đảng viên mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu… Điều nghiêm trọng là, những nhân tố tốt bị cô lập, bị bao vây và bị vô hiệu hóa; nạn cơ hội, bè phái chính trị và thực dụng chính trị sẽ ngóc đầu dậy lũng đoạn, lộng hành. Và cuối cùng, khi những điều tệ hại đó trở thành phổ biến, thì “Đảng sẽ xệch xoạc”, “ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ”, như Hồ Chí Minh cảnh báo. Đảng sẽ bị phân liệt về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức… Nếu để tích tụ đến mức nào đó, có thể gây nên sự tự tan rã ngay từ trong nội bộ.