Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

Bài 1:
Nhận diện những biến dạng trong nhận thức, thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ
TS. NHỊ LÊ Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
LTS: Tròn 93 năm lãnh đạo, trong đó gần 78 năm cầm quyền của Đảng ta khẳng định, một trong những bài học thành công là luôn cảnh giác, chủ động dự báo và kiên quyết khắc phục có hiệu quả những nguy cơ, thách thức đối với cách mạng, trước nhất là từ trong nội bộ Đảng. Và, qua thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một trong những thách thức nổi bật là việc nhận thức và thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ.
Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản với chủ đề: “Bảo vệ và phát triển nguyên tắc căn bản tổ chức và hoạt động của Đảng”. 

Từ nhận thức và thực tế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, có thể hình dung trên các phương diện chính yếu. Đó là trong công tác tư tưởng; trong thực hiện chế độ ra nghị quyết và chấp hành nghị quyết; trong sinh hoạt phê bình và phê bình; trong đại hội đảng; trong bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, bầu người đứng đầu trong các tổ chức của Đảng; trong thực hiện quyền và nhiệm vụ của đảng viên; trong thực hiện thẩm quyền của tổ chức đảng các cấp; trong công tác cán bộ; trong việc thi hành kỷ luật đảng; và trong thực hiện chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số…

Từ thực tiễn có thể hình dung những biến dạng chủ yếu trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ. 

Khiếm khuyết, lệch lạc về nhận thức và hành động bóp méo trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

Sẽ là ảo tưởng, nếu coi đây hiển nhiên là quy luật nhất thành bất biến, và hành động một cách tùy tiện, bất chấp những điều kiện cụ thể. Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, và rất tiếc rằng, tình trạng đó vẫn thường xuyên diễn ra ở nơi này hay nơi khác, một cách vô thức “ngây thơ” hoặc có chủ định, mưu đồ ở không ít người, tại không ít tổ chức đảng một cách đa dạng và phức tạp.

Điều tệ hại trước hết là, không ít tổ chức đảng biến nguyên tắc này thành một con dao oan khốc cắt bỏ dân chủ, mưu toan độc quyền, độc đoán và áp đặt cực kỳ nguy hiểm. 

Để áp đặt rồi âm mưu tạo nên một sự thống trị tư tưởng nào đó, người ta lập tức sử dụng nguyên tắc này như một “cứu cánh” vạn năng. Tỏ ra tôn trọng dân chủ nhưng khi quyết định, bằng áp lực dân chủ (cái gọi là số đông quyết định), người ta ngự trị tuyệt đối tư tưởng của mình. Ai không tuân thủ, không chịu sự “lãnh đạo” của họ, lập tức bị cô lập, bị đào thải. Đây chính là cửa ngõ, là môi trường cho những tư tưởng xa lạ với tư tưởng của Đảng tồn tại và hoành hành, thực chất là làm tan vỡ Đảng ngay từ trên bình diện tư tưởng chính trị. 

Để loại trừ những ý kiến khác, người ta cũng lập tức sử dụng nguyên tắc này như một “bảo bối” đúng với mọi hoàn cảnh. Bằng trò tập trung (thiểu số phục tùng đa số), những người không “ăn cánh” với họ bị biến thành thiểu số, thậm chí bị loại bỏ không thương tiếc, từ đây ngấm ngầm phân chia “đẳng cấp” và “thân hữu” trong Đảng. Tập trung trong tay những người này biến thành “lưỡi hái” sẵn sàng đánh vào những ai mà họ không ưa hoặc là “đối trọng”, “đối thủ” tư tưởng của họ. Thế là “cánh hẩu” thừa cơ tồn tại và lũng đoạn. Rốt cuộc, tổ chức đảng những nơi đó không chỉ bị tan vỡ về tư tưởng (mà còn gánh chịu sự tan vỡ về tổ chức và sự phân liệt về hành động), không thể bàn định và mất khả năng quyết định một cách dân chủ những quyết sách của tổ chức đảng. Có thể nói, đây là thủ đoạn tinh vi nhất và nguy hiểm nhất. Đặc biệt, thủ đoạn này được núp dưới cái gọi là “tập thể”, thì hậu họa, thậm chí là đại họa khôn lường. Thực tế, không ít tổ chức đảng, và không ít đảng vô sản trên thế giới bị tan vỡ bởi “trò chơi” oan nghiệt này.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, không ít nơi và không ít người vô tình hoặc hữu ý phá vỡ tính chỉnh thể hữu cơ của nguyên tắc này, dưới hình thức sử dụng tập trung hoặc dân chủ như con lắc đơn. Khi tả khi hữu, và ngược lại. Lúc khuếch đại tập trung khi cường điệu dân chủ, và ngược lại.  

Đây là thủ đoạn cắt xén, làm biến dạng, thực chất là thủ tiêu nguyên tắc tập trung dân chủ trên thực tế. Tập trung trong chỉnh thể nguyên tắc tập trung dân chủ bị thổi phồng biến thành thứ tập trung độc đoán gia trưởng, và dân chủ biến thành của riêng để ban phát hoặc bố thí trong tay họ hoặc đến lượt dân chủ được cường điệu biến thành thứ dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ không có tính mục đích, tính tổ chức, thậm chí coi nhẹ tính Đảng. Tổ chức đảng, vô hình trung, biến thành tổ chức độc tài hoặc câu lạc bộ bàn suông, cãi vã không ngớt. Rốt cuộc, đó là hành động tự tước bỏ không chỉ vị trí người tiền phong, vai trò người lãnh đạo của tổ chức đảng; biến những đảng viên thành những hội viên của tổ chức độc tài hoặc hội viên của các câu lạc bộ cãi vã, bàn suông; không có cả tập trung và dân chủ đích thực mà kết cục, tổ chức đảng không thể ra những quyết sách chính trị, cũng không thể tổ chức thực thi nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền của mình.

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ -0

Đồng thời, thực tiễn cảnh báo, sự non yếu của nhiều tổ chức, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Đảng một phần rất quan trọng là, nhiều nơi đã xa rời, hạ thấp, bóp méo, làm trái, thậm chí không ít người vô hiệu hóa, thậm chí “chặt cụt” nguyên tắc tập trung dân chủ, mưu toan thổi phồng dân chủ, biến thành  phản dân chủ. Đây thủ đoạn biến dân chủ thành thứ ngược với nó và xuyên tạc nó trên thực tế nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân, loàm rối loạn tổ chức và sinh hoạt đảng.

Họ nhân danh dân chủ trong tự phê bình để tự khẳng định vô lối mình, để tự đánh bóng, tâng bốc mình một cách không hổ thẹn. Bằng cách tự phê bình đã biến khuyết điểm thành ưu điểm, theo kiểu tung hỏa mù, "mèo khen mèo dài đuôi", rao giảng đạo lý suông... Đó là thói ngạo mạn vô lối. Họ dùng tự phê bình cốt để tự tạo vỏ bọc mỹ miều cho mình một cách giả hiệu. Họ sẵn sàng "nhân danh" chức vụ này, tư cách kia, thậm chí đem cả cái gọi là "nhân cách", "danh dự" của mình để "đánh cược" cho những điều họ tự tô vẽ về mình và họ tìm cách chối bỏ, giấu giếm khuyết điểm, ém nhẹm tội lỗi của mình, sặc mùi đạo đức giả. Đặc biệt, cách đó núp sau chiêu bài "cầu thị", "nhân bản", “nhân danh Đảng”... thì càng tỏ ra hiệu nghiệm. Thủ đoạn này đã lừa dối, đe nẹt được không ít người. Họ lợi dụng sự tự phê bình của đồng chí mình như một cái cớ, một nguyên nhân để trả thù, triệt hạ nhau, theo kiểu "đặt bẫy giật giàm", “vu oan giá họa”,  thậm chí là “giăng câu bắt cá", "gắp lửa bỏ tay người"... chờ thời hạ nhục, “hất cẳng” đồng chí mình. Đó là thói đạo đức giả, là sự thất nhân tâm. 

Do đó, phản dân chủ trong phê bình là làm cho phê bình trong Đảng bị biến dạng, thậm chí làm cho nó không còn là nó nữa nhằm phục vụ những mưu đồ cá nhân. Nói xác đáng, đó là hành động bóp nghẹt dân chủ, thủ tiêu dân chủ, trong đời sống và hoạt động của Đảng.

Họ lợi dụng dân chủ phê để mà phê, phê để làm phép: phê chung chung, phê mà như chẳng phê ai giống lối "bắn súng lên trời", phê chiếu lệ, đại khái. Đó là kiểu “phê bình một chiều”, "hò voi nhưng bắn súng sậy", nghĩa là chẳng trúng vào ai và tất nhiên, “chẳng chết ai”. Thực chất, đó là cách lợi dụng dân chủ để vô hiệu hóa phê bình rất tinh vi. Đó là thói thờ ơ, lãnh cảm lương tri, vô trách nhiệm. Họ mượn dân chủ phê để nịnh, phê để khen nhau và tâng bốc nhau. Họ lại cố tình phóng đại, thổi phồng những cái hay, cái tốt ấy như kiểu bon chen danh tiếng, "biến con kiến thành con voi" cốt để phỉnh nịnh nhau, vuốt ve mơn trớn nhau (và nhằm răn dạy, hăm doạ người khác), qua đó để tự đánh bóng mình nhằm tạo ra cái gọi là uy tín của mình, tâng bốc nhau cốt củng cố cánh hẩu của mình. Thực chất, đó là sự tước bỏ sức mạnh của vũ khí phê bình, biến nó thành "con dao hai lưỡi" đầy giả trá và nguy hiểm. Kỳ thực, có thể được lòng một người nhưng phá tan cả tổ chức! Đó là thói cơ hội cực kỳ nguy hiểm.

Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng", "mỉa mai, bới móc, báo thù" nhau. Nguy hiểm hơn là, biến các thủ đoạn này thành đòn hội chợ, dưới cái gọi là "tập thể" vào hùa xỉ vả, bới móc nhau... tiến đến cấu kết theo kiểu “phe nhóm”, “hội đồng” hạ bệ, loại trừ đồng chí mình. Họ lợi dụng dân chủ để "dìm phê bình và phớt phê bình", “trù dập phê bình”. Không có gì tệ hại hơn là những người giả vờ điếc để không muốn nghe, như V.I. Lenin nói. Họ sợ và phớt phê bình tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn, tự túc, họ dìm và trù dập phê bình là sự coi thường, khinh rẻ người khác, là thói đạo đức đức giả, thất nhân tâm và trái với dân chủ.  Đó là sự thất đức, mất tính đảng. 

Họ núp sau dân chủ nhằm cổ vũ cát cứ, bao che sự khép kín mưu biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành cát cứ, khép kín, thành “vương quốc riêng”, thực chất là tách khỏi hệ thống các tổ chức đảng. Họ mượn dân chủ, để bàn định công việc của Đảng và hành động theo lối hoặc “án binh bất động” hoặc trên có luật thì dưới có “lệ”, trên có chính sách thì dưới có “đối sách” tạo ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thực chất là nằm ngoài mọi sự kiểm tra, giám sát từ bên trên hay từ bên cạnh; biến sự đoàn kết thống nhất của Đảng thành sự phân lập, biệt phái, biến tổ chức đảng thành các nhóm nhỏ, “chia để trị”... Thực chất đó là hành động đối trọng với Đảng, xét dưới mọi chiều cạnh.

Từ các biến tướng trên đây đủ để nói rằng, chúng trái với bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ. Các hiện tượng tập trung quan liêu gia trưởng thường nảy nở và trỗi dậy đồng thời với những hiện tượng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật và kìm hãm, triệt tiêu và làm băng hoại sự phát triển của dân chủ chân chính. Đến lượt nó, những thủ đoạn dân chủ cực đoan, tự do, vô chính phủ lại kiềm tỏa và phá vỡ tập trung chân chính; và là căn nguyên sâu xa làm thui chột, biến chất dân chủ trong Đảng. Tương tự như vậy, những biểu hiện cực đoan của tập trung lại là nguyên nhân trực tiếp thủ tiêu dân chủ và là đến lượt nó, phá vỡ tập trung chân chính. Những lệch lạc đó đã bóp nghẹt, thậm chí làm tan vỡ nguyên tắc này, gây tổn thất không nhỏ. Rốt cuộc, chúng phá vỡ nguyên tắc tập trung dân chủ một cách tinh vi và thảm hại. 

Hậu quả là, không có một quyết định đúng đắn nào của tổ chức đảng được xây dựng và thực thi; và tất nhiên, bầu không khí trong Đảng u uất, nặng nề; tổ chức đảng bị tước bỏ tính lãnh đạo, tính chiến đấu; đảng viên vô hình bị tước vũ khí hành động, hoặc là thúc thủ hoặc là thờ ơ, thậm chí bất bình, vô hình trung “đi ngược lại” với Đảng.

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

Những luận điệu bài xích, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ

Hơn lúc nào hết, hiện nay, chủ nghĩa đế quốc với mục đích thiết lập một thế giới “nhất thể hóa tư bản chủ nghĩa” do các đế quốc siêu cường thống trị. Chính vì vậy, nhiều thập kỷ nay, chủ nghĩa đế quốc câu kết với các thế lực thù địch trong nước tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn “công phá” vào Đảng ta cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, nhất là trực tiếp công phá các nguyên tắc xây dựng Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Họ rêu rao rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời (!). Rằng, nó chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật, hoặc khi lãnh đạo chiến tranh; nay, trong Đảng lãnh đạo, cầm quyền, Nhân dân được làm chủ thì nguyên tắc này không có hiệu lực, không còn phù hợp nữa (!). Họ khăng khăng vu cáo rằng, tập trung dân chủ chỉ là một thứ chế độ tập quyền, độc đoán bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo (!). Họ tán dương thực hiện dân chủ tự do, dân chủ vô hạn độ, dân chủ cực đoan; ủng hộ nhiều phe nhóm đối lập để đấu tranh, bàn cãi; sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “đa nguyên” cổ vũ cho những bất đồng ý kiến trong Đảng để chia rẽ Đảng. Họ cố tình tỏ ra không hiểu, hoặc cố tình xuyên tạc bản chất của nguyên tắc, họ dẫn ra những ví dụ về sai lầm, về quan liêu độc đoán, về việc mất dân chủ của một số người trong bộ máy của Đảng để chứng minh cho việc cần phải thay nguyên tắc tập trung dân chủ.

Họ cho rằng, tập trung là danh từ, còn dân chủ chỉ là tính từ, dân chủ chỉ là cái bổ nghĩa cho tập trung, làm rõ thuộc tính tập trung; nên về thực chất đó chính là nguyên tắc tập trung; hoặc là bản chất gốc rễ của tập trung dân chủ là tập trung quan liêu, vì tập trung chỉ là mục đích, dân chủ chỉ là phương tiện, do vậy có rất nhiều phương tiện để đạt được mục đích, thành ra dân chủ chỉ là một loại phương tiện mà thôi. Rõ ràng luận điệu này đã tầm thường hóa dân chủ, mưu đồ để phá hoại và làm cho chúng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc chia cắt nguyên tắc vốn thống nhất, hoặc đem dân chủ đối lập với tập trung là không hiểu đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Họ cho rằng, tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, giống như lửa với nước, là hai khái niệm “không thể dung hòa”, không thể kết hợp, do đó không thể có nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng theo họ, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự sụp đổ của mô hình XHCN và Đảng Cộng sản ở Liên Xô cũng như các nước Đông Âu tự mất quyền lãnh đạo xã hội là do thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ quá lâu và họ “khuyên” Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này “càng sớm, càng tốt”; đồng thời, họ kêu gọi bỏ “chế độ thiểu số phục tùng đa số” mới thực sự có “dân chủ”, “sáng tạo”(!)... Họ tầm thường hóa nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng với mưu đồ phá hoại hòng làm cho Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ chia cắt nguyên tắc vốn thống nhất đem dân chủ đối lập với tập trung hoặc nguược lại, âm mưu hủy hoại nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến tới hạ bệ nguyên tắc tập trung dân chủ. 

Họ quy kết tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là “lỗi từ gốc” do độc đảng. Rằng, Việt Nam muốn dân chủ, tiến bộ thì “phải chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, từ đó cổ xúy cho tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây là âm mưu hết sức thâm độc nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.