Đồng bào ta “ai cũng được học hành” - niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu nước nhà độc lập đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong định hướng phát triển giáo dục Việt Nam 75 năm qua. Cũng trong suốt thời gian đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách để từng bước hiện thực hóa mục tiêu nhân văn ấy, không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của toàn dân, mà còn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.
Hễ trời chuyển tối, từ người già đến trẻ nhỏ lại tất bật cầm vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Dưới ánh đèn dầu, những mái đầu cặm cụi ê a đánh vần. Người biết nhiều kèm người biết ít, cứ vậy, dần dần ai cũng biết đọc, biết viết…
Mong sao lớp học i tờ…
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng! Tùng…
Tiếng trống vang lên trong triển lãm những lớp học đặc biệt “Chắp cánh ước mơ” đang diễn ra tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, đưa người xem trở lại không khí những ngày toàn dân hồ hởi tham gia phong trào Bình dân học vụ, khi nước nhà vừa giành được độc lập. Các lớp học được mở ra trên khắp đất nước, lôi cuốn mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia; chữ viết có ở khắp nơi; giáo viên tham gia dạy Bình dân học vụ là những người dân, thương binh, bộ đội, người biết nhiều dạy người biết ít...
Nhìn các bức ảnh 75 năm trước, PGS. TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xúc động như thấy mình trong đó. Năm 1958, ông cũng là một nhân tố vượt khó trong phòng trào Bình dân học vụ. Ngày đó, dù mới chỉ học lớp 2 nhưng ông đã được vận động dạy cho chính mẹ mình cùng cô bác hàng xóm tại Quảng Yên, Quảng Ninh.
“Đó là tình làng nghĩa xóm, mọi người yêu quý tôi thì đến học. Lớp tôi dạy có khoảng 8 - 9 ‘học trò’, mượn tạm địa điểm của một nhà dân. Còn nhớ, mới chỉ ban sáng vẫn là học sinh, trưa về, thoảng khi trời tối, tôi đã được làm thầy. Nhiều buổi học, thấy các bác viết chậm quá, ‘thầy’ buồn ngủ làm trò phải nhắc. Không khí học tập rộn ràng, khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng tiếng ê a đánh vần, các cô bác lớn tuổi thấy tôi bé nhưng biết nhiều chữ thì cũng chịu khó học. Cả người dạy và người học đều mong đến lớp, khích lệ nhau hoàn thành nhiệm vụ học tập”.
Lên lớp 8, lớp 10, ông Bài sơ tán ra đảo Hoàng Tân tránh bom Mỹ. Đó là những ngày khi thì ở nhà dân, lúc lên rừng học, thầy trò tự đào hầm hoặc vào hang tự dựng lớp học. Chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành mấy chục lớp học tranh tre nứa lá, rồi lấy tre vầu tách ra, ghép thành bàn học dài, thành ghế.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, cũng nhớ hình ảnh các chị, các bác, các chú trong xóm, ngoài làng đi học, đi dạy Bình dân học vụ như thế. Giản dị, thực chất và hiệu quả. Theo ông, đó cũng là lý do sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi thầy cô giáo làm công tác Bình dân học vụ là những “vô danh anh hùng” vì đóng góp thầm lặng của họ. Người cũng nói “học bình dân cũng là học đạo đức”. Điều này càng ngẫm càng thấy đúng.
“Vì sao ư? Bởi người dạy nhiệt tình, không vụ lợi còn người học thì hăng say. Người ta dù bận đến mấy, dù có đói đến mấy nhưng vẫn kéo nhau đi học. Các ông bà già, rồi các chị phụ nữ tay âm ấp con mọn vẫn đi học. Vật chất phục vụ học tập khó khăn nên trên lưng trâu người ta cũng có thể viết chữ lên được, cái mẹt cũng viết chữ lên được. Cứ phương tiện gì học được là học. Không có bút thì thầy cầm que vạch lên mặt đất”, GS.TS Phạm Tất Dong nhớ lại.
Đòn bẩy khơi dậy sức mạnh dân tộc
Phong trào diệt dốt rõ ràng là định hướng có tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, ngay trong Tuyên ngôn độc lập, Người đã ý thức xây dựng một nhà nước dân chủ cộng hòa, tức là làm sao cho người dân thể hiện được quyền của mình. Vì vậy, chỉ một ngày sau khi thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó chống giặc dốt xếp hàng thứ hai sau chống giặc đói. Cũng xuất phát từ thực tế cách mạng, chỉ vài ngày sau đó, 8.9.1945, Người đã kịp thời phát động phong trào chống giặc dốt.
“Khi tiến hành chống giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa một tổ chức xã hội có tinh thần yêu nước trước đó là phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Chính tổ chức Bình dân học vụ mang đến một phong trào giáo dục không chỉ thuần túy tự phát trong nhân dân mà là chủ trương của Nhà nước, sớm nhất có thể mang lại nền tảng văn hóa cho người dân”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Để có được nền giáo dục không đứt đoạn và hệ thống trong thời chiến, theo GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tổ chức Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946, và sau đó là sự ra đời của Hiến pháp, được nhìn nhận là có tầm trí tuệ cao. Hiến pháp phản ánh nguyện vọng của nhân dân, là khế ước xã hội mà mọi người đều tôn trọng. Trong đó, riêng về giáo dục thể hiện tư tưởng rất rõ là tối thiểu người dân phải đạt trình độ sơ học và việc học là bắt buộc.
“Bản Hiến pháp năm 1946 đã cho chúng ta thấy được tư tưởng lớn - coi giáo dục như là một đòn xeo để khơi dậy sức mạnh của dân tộc. Mặc dù thời điểm đó chúng ta chưa đưa ra khái niệm giáo dục là quốc sách nhưng có thể hiểu Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng cho việc phải dựa vào giáo dục để nâng cao dân trí, như là giải pháp để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang khẳng định.
“Đầu năm 2002, khi chuyên gia các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam được diện kiến Tổng thống Brazil, ông hỏi tôi, giáo dục cưỡng bức của Việt Nam làm thế nào để có được tỷ lệ dân số biết chữ hay tài xóa nạn mù chữ đáng khâm phục thế. Tôi nói, giáo dục cưỡng bức ấy xuất phát từ chủ trương lớn, đó là tối thiểu toàn dân phải biết chữ, mọi người đến lứa tuổi đi học phải được học.
Điều này thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946, trong đó có quy định các dân tộc có quyền học bằng tiếng của mình, bên cạnh học tiếng phổ thông; hỗ trợ người nghèo, mọi nguồn lực xã hội đều tham gia vào giáo dục... Tất cả các quy định cụ thể ấy phản ánh ý tưởng lớn của Việt Minh mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là phải từng bước và ngày càng nâng cao trình độ học vấn của người dân, coi đó là sức mạnh nền tảng, cốt lõi của một dân tộc”.
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang