Bữa ăn học đường: Câu chuyện không phải của riêng ngành giáo dục

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tổ chức bữa ăn học đường theo tiêu chuẩn dinh dưỡng là câu chuyện không phải của riêng ngành giáo dục. Muốn bữa ăn cho trẻ đạt được đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng cần sự nỗ lực, giám sát thực thi rất nghiêm túc từ phía chính quyền địa phương, vai trò của phía nhà trường, cùng sự vào cuộc của phụ huynh...

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng tới sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của trẻ; cũng như những bài học kinh nghiệm Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia trên thế giới trong việc sử dụng dinh dưỡng để cải thiện tầm vóc, trí lực.

Chiều cao người Việt Nam vẫn còn “khiêm tốn” so với thế giới

- Thưa PGS.TS Trương Tuyết Mai, bà có thể cho biết, chiều cao trung bình của người Việt hiện ở mức nào nếu so sánh với các nước trên thế giới? Theo bà, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi học đường có vai trò như thế nào trong việc phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của trẻ?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến sức khỏe của người dân, trong đó nâng cao tầm vóc, trí tuệ người Việt Nam là một trong những mục tiêu rất quan trọng. Với vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em, chúng ta đã làm rất nhiều năm và đã có nhiều giai đoạn thực hiện chiến lược dinh dưỡng quốc gia.

p1920997.jpg
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Quốc Việt)

Đánh giá sau giai đoạn 2011-2020, theo Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2020, chiều cao của người Việt Nam đã có sự thay đổi khá tốt, đạt được mục tiêu đề ra từ năm 2011. Theo đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi đạt 168,1cm, tăng 3,7cm so với năm 2010. Còn chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam 18 tuổi đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với năm 2010. Đó là thành quả từ nỗ lực của Đảng, Chính phủ và người dân.

Tuy nhiên, nếu nhìn ra thế giới hay ngay cả các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta sẽ thấy chiều cao của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực. Giai đoạn thực hiện Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2021-2030, chúng ta cần quyết tâm để đạt được mục tiêu cải thiện dinh dưỡng trẻ em là nền gốc, hướng tới việc nâng cao tầm vóc và thể lực cho người dân Việt Nam. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ còn khá dài.

Đến thời điểm này, có lẽ những người làm cha, làm mẹ và đặc biệt là các cấp, các ngành, những người làm công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe đều hiểu được dinh dưỡng đóng vai trò quyết định tới vấn đề tăng trưởng chiều cao. Mặc dù còn có nhiều yếu tố khác góp phần, nhưng chúng tôi khẳng định đó là yếu tố quyết định nhất. Chính vì vậy, cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, cả về số lượng và chất lượng (bao gồm tính cân đối, tính đa dạng và tính an toàn, hợp lý), cho tất cả bữa ăn trong ngày.

Giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển chiều cao là dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, trong đó nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng tuổi là một trong những yếu tố quyết định rất lớn giúp trẻ có được các chất dinh dưỡng đầy đủ ngay từ bước đầu tiên. Sau giai đoạn này sẽ đến giai đoạn tuổi học đường. Ngay sau 2 năm đầu đời, trẻ đã bước vào lứa tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đây là giai đoạn tiếp theo rất quan trọng quyết định chiều cao của đứa trẻ. Chúng ta phải thực sự quan tâm tới bữa ăn của trẻ tại gia đình và trường học.

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện nhiều chương trình giáo dục truyền thông để tiếp tục cho người dân hiểu được vai trò của công tác dinh dưỡng cũng như việc chăm sóc từng bữa ăn, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em để có được tình trạng dinh dưỡng tốt. Từ đó, giúp đứa trẻ có thể chất và trí tuệ phát triển theo đúng mục tiêu, định hướng chúng ta đã đề ra.

Trẻ lại không có được những bữa ăn thật tốt ở trường học là một điều thiệt thòi

- Viện Dinh dưỡng Quốc gia là cơ quan nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn người Việt Nam, đề xuất cho Nhà nước các biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bà nhận định và đánh giá thế nào về hoạt động dinh dưỡng học đường hiện nay tại Việt Nam, so với các yêu cầu đặt ra?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Chúng tôi đứng ở góc độ nhà khoa học, cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ Y tế và Chính phủ về tiêu chuẩn dinh dưỡng, theo dõi bữa ăn của người dân Việt Nam có đáp ứng đủ theo khuyến cáo hay không, có đảm bảo được chất lượng theo nhu cầu phát triển hay không. Nhìn về khía cạnh này, qua một số báo cáo, điều tra nhỏ lẻ kết hợp cùng ngành giáo dục, chúng tôi thấy rằng nhiều trường học hiện nay chưa thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn học đường.

Số lượng trường đã triển khai bữa ăn học đường chưa nhiều. Ở cấp học mầm non có thể đã thực hiện đa số, nhưng còn rất nhiều trường ở cả các cấp học khác chưa tổ chức được. Đây là vấn đề rất khó, ảnh hưởng đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Nếu như các gia đình đã bận rộn, việc chăm sóc dinh dưỡng tại gia đình chưa thực sự chu đáo mà trẻ lại không có được những bữa ăn thật tốt ở trường học, rõ ràng là một điều rất thiệt thòi.

Về chất lượng bữa ăn ở những trường đã triển khai, năm 2023, chúng ta đã xây dựng tiêu chuẩn cho bữa ăn cấp mầm non và tiểu học. Văn bản này khi ra đời đã tạo hành lang rất rõ ràng để các trường phấn đấu đạt được tiêu chuẩn cơ cấu bữa ăn. Đơn cử, theo tiêu chuẩn này, cơ cấu bữa ăn trưa phải đáp ứng 30-50% năng lượng khẩu phần của trẻ trong một ngày, bữa ăn phụ của cấp tiểu học phải đạt từ 5-10% tổng năng lượng khẩu phần.

Trong chất lượng bữa ăn, phải đảm bảo cung cấp 13-20% chất đạm trong năng lượng khẩu phần chung, 30-40% chất béo. Đặc biệt, đối với lứa tuổi này phải rất quan tâm đến vitamin và khoáng chất, đó là các nhóm như canxi, sắt, kẽm, vitamin A,…

img-0829-1.jpg
PGS.TS Trương Tuyết Mai cùng các khách mời tham dự Talkshow “Thực trạng và giải pháp cho các vấn đề chuẩn hóa dinh dưỡng học đường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Quốc Việt)

Theo đánh giá của chúng tôi, các trường cơ bản làm khá tốt về phần năng lượng trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, về chất lượng như các vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn thường cung cấp chưa đủ, bởi cách xây dựng cơ cấu thực đơn cho bữa ăn chưa đảm bảo tính đa dạng, cách chế biến chưa khiến trẻ hào hứng và thích thú với món rau quả. Các khảo sát cho thấy khẩu phần ăn của trẻ mới đáp ứng khoảng 50% lượng rau quả cần thiết, như vậy là chưa thực sự đáp ứng tốt.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục dinh dưỡng học đường giúp nhận thức và lựa chọn được những thực phẩm an toàn, lành mạnh, tốt cho cơ thể vẫn còn một khoảng trống về mặt kiến thức và thực hành ở ngay cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Một vấn đề khác tôi thấy cần quan tâm là môi trường thực phẩm tại các nhà trường. Hiện nay, các bé có thể tiếp cận một cách rất dễ dàng với các thực phẩm chưa đảm bảo an toàn, thực phẩm không lành mạnh tại khu vực xung quanh trường học.

Việt Nam học hỏi được gì từ kinh nghiệm của người Nhật?

- Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật gây ấn tượng mạnh: nam cao 1m72; nữ cao 1m58. Trong khi đó cách đây 50 năm, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật đứng hàng đầu châu Á và thuộc hàng đầu thế giới. Theo bà, chúng ta có thể học hỏi được gì từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Đúng là khi chúng ta có được chính sách tốt, thực thi tốt thì hiệu quả sẽ rất rõ. Nhật Bản đã trở thành một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ.

Năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường, trong đó quy định bữa ăn học đường phải đạt được các tiêu chí: phải được tổ chức, chỉ đạo, thực thi, giám sát; phải có tiêu chuẩn của thực phẩm, tiêu chuẩn của thực đơn; công tác thực thi tại trường học phải đảm bảo; có tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại trường học. Tôi nghĩ rằng Luật này đã tác động rất lớn, làm thay đổi toàn bộ vấn đề liên quan đến dinh dưỡng tại trường học Nhật Bản.

Vào năm 2005, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng. Đây tiếp tục là một trong những tác động rất mạnh mẽ về chính sách. Mục tiêu của người Nhật khi đưa ra chính sách này là đảm bảo cho những đứa trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước có kiến thức chăm sóc sức khỏe bao gồm kiến thức về dinh dưỡng, biết chọn lựa thực phẩm lành mạnh, biết làm thế nào để xây dựng bữa ăn cân đối, đa dạng. Bên cạnh đó là khuyến khích tất cả con trẻ và người dân Nhật Bản hiểu được nguồn gốc những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.

Chính sách này cũng giúp khuyến khích hệ thống sản xuất và chế biến thực phẩm ở Nhật Bản càng đảm bảo an toàn, đảm bảo các chất dinh dưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn rất cao của người Nhật. Đặc biệt, ý nghĩa lớn hơn, tôi cho rằng qua Luật này, người Nhật đã đi trước một bước trong vấn đề tự tôn văn hóa ẩm thực.

z5983992521310-be7277a483069c5dc259deb67764afd1.jpg
z5960205658978-237f253d82f829e3ae5639f49b1b084e.jpg
Bữa ăn học đường tại Nhật Bản (Ảnh: bloomberg)

Văn hóa người Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với văn hóa người Nhật. Chính vì vậy, nếu như chúng ta đi theo cách này, có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thực thi thì đây sẽ là những bài học chúng ta có thể áp dụng để thành công. Và để học tập được từ nước bạn, ngoài thực thi các chính sách, cần có sự chuyển biến một cách tích cực về thái độ, hành vi của từng con trẻ, từng gia đình và cũng là trách nhiệm chung của xã hội.

Tổ chức bữa ăn học đường là câu chuyện không phải của riêng ngành giáo dục

- Trong Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường, xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030. Theo bà, để đạt được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra với người làm công tác dinh dưỡng học đường là gì? Và chúng ta cần làm thế nào để có được đội ngũ làm công tác dinh dưỡng học đường đáp ứng các yêu cầu?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Mục tiêu đưa ra trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia chắc chắn đã có cơ sở và chúng ta đang quyết tâm thực hiện. Với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các bên, tôi cho rằng việc thực hiện được mục tiêu này là khả thi.

Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải kết hợp rất nhiều công việc khác nhau. Bởi tổ chức bữa ăn học đường là câu chuyện không phải của riêng ngành giáo dục. Muốn bữa ăn cho trẻ đạt được đúng tiêu chuẩn ngành dinh dưỡng đã khuyến cáo, đáp ứng nhu cầu bữa ăn hàng ngày cho trẻ, rõ ràng cần sự nỗ lực, giám sát thực thi rất nghiêm túc từ phía chính quyền địa phương. Vai trò của phía nhà trường, từ lãnh đạo đến người trực tiếp cung cấp bữa ăn hàng ngày cho các bé, cùng sự vào cuộc của phụ huynh cũng rất quan trọng để thực thi giám sát, xem bữa ăn có đủ các chất dinh dưỡng không, có đa dạng thực phẩm hay không, có đảm bảo an toàn hay không.

Với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dinh dưỡng học đường, được biết Bộ GD-DT đang tích cực tập huấn cũng như đào tạo bổ sung thêm để đảm bảo đáp ứng chất lượng. Chúng tôi mong rằng những người mang trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ hãy thực hiện vai trò này bằng tình yêu thương với con trẻ, thay vì chỉ thực hiện một cách cứng nhắc về mặt chính sách. Ở các quốc gia trên thế giới, tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại trường học rất cao, trách nhiệm rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp cùng Bộ GD-ĐT để thực hiện các tài liệu giúp cho các cấp cũng như đội ngũ làm công tác này có thêm kiến thức cập nhật; đồng thời tạo động lực để chính các nhân viên cấp dưỡng sẽ là người truyền đạt kiến thức về dinh dưỡng, về thế nào là bữa ăn lành mạnh cho các bé.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại Talkshow “Thực trạng và giải pháp cho các vấn đề chuẩn hóa dinh dưỡng học đường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Video: Văn Tùng)

- Để triển khai tốt những tiêu chuẩn dinh dưỡng học đường hiện nay, chúng ta cần những điều kiện cụ thể nào, thưa bà?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Về tiêu chuẩn bữa ăn học đường, tôi cho rằng việc chọn lựa thực phẩm là một trong những bước rất quan trọng của người làm công tác dinh dưỡng tại các nhà trường. Cần lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất bởi các công ty uy tín và có thương hiệu, từ đó đảm bảo được chất lượng bữa ăn cho trẻ.

Trong việc xây dựng cơ cấu bữa ăn ở trường học, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn ngành dinh dưỡng đã khuyến cáo thì bữa ăn cũng phải đảm bảo tính ngon miệng, đa dạng. Muốn thực hiện được đòi hỏi người làm dinh dưỡng phải thực sự dành tâm huyết cho bữa ăn, có cách chế biến hấp dẫn, để bé luôn cảm thấy hào hứng và thích thú với bữa ăn tại trường.

Và để những người làm công tác dinh dưỡng, công tác chăm sóc sức khỏe tại trường học tâm huyết, yêu nghề hơn nữa, theo tôi, cần có các chế độ cũng như tạo được động lực cho họ. Đây là những việc chúng ta cần phải lưu tâm trong giai đoạn này.

- Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, các tổ chức giáo dục, gia đình thì doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em. Để các doanh nghiệp thực phẩm hay rộng hơn là các nguồn lực xã hội có thể tham gia và phát huy hiệu quả vai trò của mình trong tiến trình cải thiện dinh dưỡng học đường, theo bà, chúng ta cần có những giải pháp nào?

PGS.TS Trương Tuyết Mai: Trong các chương trình của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu. Trong công tác dinh dưỡng cũng như vậy.

Chúng tôi mong đợi nhiều hơn việc các doanh nghiệp có trách nhiệm thực sự đối với mục tiêu cung cấp sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, lành mạnh cho trẻ. Vậy thế nào là lành mạnh? Những sản phẩm khoa học đã chỉ ra như chứa quá nhiều đường, chứa quá nhiều muối hoặc quá nhiều chất béo không no, không có lợi cho cơ thể, không đảm bảo an toàn thực phẩm,... rõ ràng các doanh nghiệp phải thực hiện một cách nghiêm túc. Càng nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, chúng ta càng có điều kiện cung cấp các bữa ăn của trẻ được thực sự tốt.

Trong thời công nghệ số hiện nay, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp tham gia vào việc truy xuất nguồn gốc, minh bạch nguồn gốc thực phẩm, để tất cả các bên đều nắm được doanh nghiệp sản xuất cái gì, ở đâu, quy trình thế nào,... Doanh nghiệp cần thấy được vai trò của mình để cung cấp các thông tin minh bạch. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện quảng cáo một cách quá mức, thiên lệch về chất lượng sản phẩm, cần sự chấn chỉnh.

Tôi cũng cho rằng, chúng ta phải làm thế nào để giúp các doanh nghiệp đã có uy tín và thực sự đang cung cấp các dòng thực phẩm tốt cho xã hội phải được khuyến khích, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trương Tuyết Mai đã chia sẻ!

Giáo dục

Hà Nội: Trường THPT dạy "chui" 174 học sinh gần nửa kỳ học mới bị phát hiện, Sở GD-ĐT nói gì?
Giáo dục

Hà Nội: Trường THPT dạy "chui" 174 học sinh gần nửa kỳ học mới bị phát hiện, Sở GD-ĐT nói gì?

Trước thông tin Trường THPT Tô Hiến Thành (quận Hà Đông) không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh "chui" 174 học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã nhận được báo của nhà trường, đồng thời sẽ phối hợp các cơ sở để tìm phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi cho học sinh. 

ĐH Công nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng
Giáo dục

ĐH Công nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa ký kết 5 biên bản ghi nhớ hợp tác với đại diện doanh nghiệp, trường đại học Hàn Quốc; qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo Hàn Quốc trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng.

Bộ GD-ĐT công bố một số tài liệu phục vụ dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giáo dục

Bộ GD-ĐT công bố một số tài liệu phục vụ dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Căn cứ Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 6.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn các tài liệu phục vụ dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

PGS.TS Bùi Đức Thọ: "Trường đại học là nơi an toàn để sinh viên mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại"
Giáo dục

PGS.TS Bùi Đức Thọ: "Trường đại học là nơi an toàn để sinh viên mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại"

PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhắn nhủ sinh viên, mái trường đại học là nơi an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại. Nếu ra trường rồi mới phạm sai lầm, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Hotel Academy Việt Nam khai giảng lớp quản trị khách sạn và trao học bổng toàn phần VET by EHL
Kinh tế

Hotel Academy Việt Nam khai giảng lớp quản trị khách sạn và trao học bổng toàn phần VET by EHL

Sáng 28.10, Hotel Academy Việt Nam đã tổ chức lễ khai giảng khóa học Quản trị Khách sạn và trao học bổng toàn phần VET by EHL tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong không khí trang trọng, tràn đầy cảm hứng. Chương trình có sự tham dự của tập thể sư phạm Nhà trường, tân học viên và phụ huynh.