Báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 (Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027 và khoảng 14 triệu việc làm sẽ mất đi.
Khảo sát Tái hình dung Công việc năm 2024 của Ernst & Young (1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) tiến hành tại 23 quốc gia trên toàn cầu cũng cho thấy hình dung về sự nghiệp, công việc, nơi làm việc đã thay đổi đáng kể so với nhận thức trước đây. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thay đổi về cả cách dạy và cách học trong nhà trường cũng như việc bồi đắp các kỹ năng phù hợp để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường lao động.
Mái trường đại học là nơi an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại
Chia sẻ tại Tọa đàm “Định hình tương lai: Học hỏi, Thích nghi, Dẫn dắt” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, với sự tham gia của gần 1.000 sinh viên, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường đang hướng tới việc đào tạo ba nấc, giúp các em “Hiểu”, “Vận dụng” và có “Khả năng phân tích đánh giá”.
“Học tốt, không chỉ là nhớ được nội dung thầy cô đã giảng mà còn hiểu, luôn đặt ra câu hỏi tại sao, tự hỏi mình đã hiểu chưa, thực tiễn sẽ diễn ra thế nào. Tự soi chiếu bản thân sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất vấn đề”, PGS.TS Bùi Đức Thọ nói.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhắn nhủ sinh viên đừng ngại ngần hỏi thầy cô, bạn bè nếu thấy mình chưa rõ, chưa hiểu. Mái trường đại học là một nơi rất an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại.
“Nếu các em thất bại trong trường, cái giá phải trả là gì? Là sự thành công, sự trưởng thành của các em. Đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Ra trường rồi mới phạm sai lầm thì giá phải trả sẽ rất đắt. Do đó, tôi khuyến nghị các em tập trung nghe giảng, đọc tài liệu, học để hiểu bản chất vấn đề, có khả năng soi chiếu vào thực tiễn và phân tích, đánh giá vấn đề”, thầy Thọ chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay về kỹ năng, nhà trường đã tạo điều kiện tốt cho các em rèn luyện. Sinh viên không thể có kỹ năng chỉ bằng việc đọc sách, đọc giáo trình mà phải “thực chiến”. Ngoài kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, còn rất nhiều kỹ năng sinh viên phải học để sẵn sàng với công việc trong tương lai.
Luôn tồn tại những khoảng cách nhất định giữa đào tạo trong nhà trường và đi làm. Khi đi làm, để vươn lên trong tổ chức phải có sự cầu thị trong công việc, chuyên cần để thực hiện tốt nhiệm vụ, có trách nhiệm trong công việc và đến cùng là kết quả.
PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh, đào tạo trong nhà trường là đạt các chuẩn đầu ra phổ biến. Sinh viên mới ra trường, được tuyển dụng có thể đáp ứng các yêu cầu ban đầu, nhưng sau đó cũng “rơi rụng” đi, chưa phát triển được. Muốn phát triển một lực lượng kế cận chuyên nghiệp, cần những đòi hỏi khắt khe về tính ownership - tính trách nhiệm, làm sao có trách nhiệm với doanh nghiệp mình đang làm như với chính bản thân.
“Vào thương trường, vào công việc, thầy mong muốn các em vẫn phát huy được năng lực chuyên môn của nhà trường, nhưng có thêm tinh thần cầu thị, cởi mở, nỗ lực, có trách nhiệm để không chỉ riêng mình làm việc tốt mà còn tạo ra một môi trường đáng làm việc ở tổ chức của các em. Đó sẽ là các yếu tố cần thiết để nhà tuyển dụng ghi nhận, trao cho chúng ta cơ hội phát triển trong tương lai”, PGS.TS Bùi Đức Thọ nhắn nhủ.
23% việc làm trên thế giới sẽ bị thay đổi, 12,3% công việc sẽ mất đi
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) có những chia sẻ về xu hướng việc làm và những yêu cầu năng lực trong tương lai.
Theo ông Long, trong giai đoạn đi học, năng lực của một cá nhân được chia thành 2 loại: hành vi và chuyên môn. Năng lực chuyên môn được tích lũy từ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, tiếp thu kiến thức được đào tạo, cũng như khả năng vận dụng các kỹ năng đó vào tình huống thực tế. Năng lực hành vi được bắt nguồn từ các đặc điểm tính cách và sự nhận thức, ý thức cá nhân được trau dồi qua quá trình học tập, làm việc, chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sống và môi trường làm việc.
Khi đi làm, doanh nghiệp phân năng lực của cá nhân thành 3 loại: lãnh đạo, chuyên môn và cốt lõi. Khi còn là nhân viên mới, năng lực chuyên môn đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định 70-80% đến thành công trong công việc. Nhưng càng lên các vị trí cao hơn, như quản lý cấp trung và quản lý cấp cao thì năng lực hành vi càng có vai trò quan trọng hơn. Những người lãnh đạo là những người có năng lực hành vi rất mạnh.
Ông Nguyễn Việt Long cho biết, qua khảo sát của EY với một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có trên 20.000 lao động, các năng lực hành vi doanh nghiệp này yêu cầu đối với nhân viên đầu tiên là ý thức trách nhiệm với công việc. Các năng lực hành vi tiếp theo gồm: tư duy phân tích và khả năng thực thi, tính sáng tạo trong công việc, năng lực lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ…
Ông Long nhấn mạnh, hiện nay, “Tipping point” hay còn gọi là thời điểm chuyển đổi đang diễn ra trên thị trường Việt Nam, bắt đầu từ giai đoạn 2021 - 2022, khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Thống kê cho thấy có 63% giao dịch trên thị trường là trực tuyến và mức độ sử dụng điện thoại thông minh đạt 80% như Việt Nam hiện chính là thời điểm hành vi của cá nhân trong xã hội thay đổi. Những thay đổi hành vi này sẽ ảnh hưởng đến việc làm.
Dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới giai đoạn 2023 - 2027 cho thấy 23% việc làm trên thế giới sẽ bị thay đổi do công nghệ, bền vững, địa chính trị; 12,3% công việc sẽ mất đi; 10,2% sẽ là công việc mới.
“Chưa bao giờ thị trường lao động thay đổi nhanh như bây giờ và trong tương lai sẽ còn thay đổi mạnh mẽ. Những thay đổi vĩ mô tác động đến việc làm bao gồm sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhất là AI, cũng như yêu cầu về phát triển xanh. Đây là những xu hướng các bạn sinh viên nên lưu ý để tận dụng cơ hội việc làm sinh ra từ các xu hướng này”, ông Nguyễn Việt Long cho hay.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, ngoài kiến thức, kỹ năng học ở trường, sinh viên phải trau dồi thêm một số kiến thức và kỹ năng thị trường đang đòi hỏi như kỹ năng nghiên cứu, phân tích sâu, các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, AI (đặc biệt là Generative AI) là rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến rèn luyện tư duy phản biện, khả năng tương tác, trí tuệ cảm xúc.
“Con đường sự nghiệp của chúng ta có hai lựa chọn: hoặc đi làm thuê cho doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp, làm cho chính mình. Nếu có hành vi đúng, mục đích công việc, có hoài bão thì ra trường kể cả đi làm thuê, chúng ta vẫn làm chủ công việc của mình và sẽ trở thành người lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn trong tổ chức và trong xã hội”, ông Nguyễn Việt Long đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên.
Hành động bao giờ cũng có ảnh hưởng lớn hơn những thứ quảng cáo về bản thân
Theo ông Trần Phú Sơn, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong công việc. Thái độ là một phần trong tính chuyên nghiệp đó.
Tính chuyên nghiệp có 3 cấu phần chính. Đầu tiên phải là chuyên môn, gắn với những gì sinh viên đang học trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bổ sung thêm những kỹ năng, hiểu biết mới, những chứng chỉ nghề nghiệp để chuyên môn được thừa nhận rộng rãi.
“Ngành nào cũng có chứng chỉ nghề nghiệp, hiệp hội mà chúng ta có thể tham gia, để sự cập nhật chuyên môn có thể diễn ra thường xuyên, liên tục, có hệ thống. Và để đạt được điều này, chúng ta cũng cần kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian để trả lời câu hỏi học chuyên môn gì, chứng chỉ nghề nghiệp gì, thời gian, lộ trình đạt được”, ông Trần Phú Sơn chia sẻ.
Cấu phần thứ hai, ông Sơn nhấn mạnh tới tính chuyên cần. Theo ông, “không có gì dễ dàng mà lại hay”. Những điều khó, gai góc, ít người làm được mà chúng ta đạt được sẽ ở lại lâu, sẽ tạo nên sự khác biệt. Sự chuyên cần tạo ra sự khác biệt. Rất khó để nói ai thông minh hơn ai, quan trọng là ai nghiền ngẫm lâu hơn - đó là sự chuyên cần.
“Để có chuyên cần còn có một số yếu tố: planning - lập kế hoạch, project management - quản lý dự án, time management - quản lý thời gian. Tổ chức, sắp xếp công việc, học gì trước học gì sau mới là quan trọng, quan trọng hơn rất nhiều việc “ngồi văn phòng đến 10 giờ đêm”, ông Trần Phú Sơn.
Cấu phần thứ ba là sự chuyên tâm: tập trung vào công việc, không cần để tâm quá mức vào các yếu tố bên ngoài. Ông nhấn mạnh, hành động bao giờ cũng có ảnh hưởng lớn hơn là những thứ quảng cáo về bản thân mình.
“Với tư cách một người lãnh đạo, tôi thấy rằng các em làm được việc chắc chắn sẽ được ghi nhận. Nếu các em làm được việc mà không được ghi nhận thì đó không phải tổ chức các em nên gắn bó lâu dài. Công việc và hiệu quả công việc sẽ nói lên tất cả”, ông Sơn khẳng định.