Sự phát triển về pháp lý và chính sách
Ấn Độ hiện là quốc gia có số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ lớn thứ 3 trên toàn cầu (sau Mỹ và Trung Quốc), với hơn 27.000 công ty khởi nghiệp công nghệ đang hoạt động, trong đó hơn 1.300 công ty đã ra mắt chỉ riêng trong năm 2022.
Dự luật Cạnh tranh (sửa đổi) năm 2023 nhằm sửa đổi cơ bản Luật Cạnh tranh đã được cả hai viện của Quốc hội Ấn Độ thông qua vào ngày 3.4.2023. Sau đó, luật được Tổng thống ký ban hành và đăng trên Công báo với tên gọi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) năm 2023, trong đó một số điều khoản nhất định có hiệu lực từ ngày 18.5.2023.
Thực tế, quá trình sửa đổi được khởi xướng với việc Bộ Doanh nghiệp thành lập Ủy ban Đánh giá Luật Cạnh tranh (CLRC) từ tháng 10.2018 để đề xuất những thay đổi đối với pháp luật về cạnh tranh của Ấn Độ trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang thay đổi và để phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Năm 2019, CLRC đệ trình các khuyến nghị của mình, trong đó một số đã được đưa vào luật sửa đổi.
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) năm 2023 bao gồm rất nhiều điểm mới có khả năng tác động đến nền kinh tế kỹ thuật số, như:
Giới thiệu ngưỡng giá trị giao dịch
Luật sửa đổi đưa ra cách mới để xác định xem một giao dịch kinh doanh có cần phải báo cáo Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) hay không. Giờ đây, bất kỳ giao dịch nào có giá trị vượt quá 20 tỷ rupee đều phải được thông báo cho CCI. Điều này áp dụng cho cả công ty kỹ thuật số và truyền thống. Đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số, các đánh giá được dựa trên các số liệu toàn cầu và ở Ấn Độ như số lượng người dùng, khách hàng, người đăng ký, khách truy cập hoặc tổng giá trị hàng hóa. Các công ty truyền thống được đánh giá dựa trên doanh thu toàn cầu và tại Ấn Độ (dựa trên toàn bộ bảng cân đối kế toán...).
Hình phạt dựa trên doanh thu toàn cầu: Luật Cạnh tranh (sửa đổi) năm 2023 quy định rằng, doanh thu toàn cầu có được từ tất cả các sản phẩm và dịch vụ sẽ được xem xét đối với các thỏa thuận phản cạnh tranh và các trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Đưa ra cách giải quyết và cam kết: Luật sửa đổi đưa ra các điều khoản cho phép các bên đề xuất giải pháp và cam kết đối với các trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và thỏa thuận phản cạnh tranh. Sửa đổi này được đánh giá là sẽ giúp giải quyết các vụ việc nhanh hơn, tránh kiện tụng kéo dài, tiết kiệm thời gian quản lý cũng như chi phí kiện tụng cho ngành và cơ quan quản lý.
Thay đổi về mốc thời gian kiểm soát sáp nhập: Luật giảm bớt các mốc thời gian để CCI đánh giá một giao dịch, cũng như hình thành cái nhìn sơ bộ. CCI hiện có 30 ngày theo lịch thay vì 30 ngày làm việc trước đây. Nó cũng giảm thời gian phê duyệt từ 210 ngày theo lịch xuống còn 150 ngày…
Sẽ có Luật Cạnh tranh kỹ thuật số riêng?
Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện bước đi quan trọng khi thành lập một ủy ban để giới thiệu Luật Cạnh tranh kỹ thuật số nhằm quản lý người chơi thuộc lĩnh vực này, gọi là Ủy ban Luật Cạnh tranh kỹ thuật số (CDCL) gồm 16 thành viên. Tháng 12. 2022, Thường trực Ủy ban Tài chính của Quốc hội Ấn Độ đã hoàn thiện Báo cáo thứ 53: Các hành vi phản cạnh tranh của các công ty công nghệ lớn sau khi tham vấn rộng rãi với các cơ quan chính phủ, các bên liên quan trong ngành và CCI.
Báo cáo đưa ra nhiều đặc điểm khác biệt của nền kinh tế số, giúp tách biệt nó với các thị trường truyền thống. Nó thừa nhận nền kinh tế số tạo ra thách thức lớn hơn cho các cơ quan quản lý thị trường. Theo Báo cáo, các nền kinh tế kỹ thuật số hoạt động cùng với các nền kinh tế truyền thống theo quy mô và phạm vi, điều này khuếch đại tác động của hành vi phản cạnh tranh và dẫn đến việc thị trường nghiêng về phía một người chơi phát triển nhanh hơn.
Hành vi không công bằng như vậy có thể gây ra tác hại lâu dài do hiệu ứng mạng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất ban hành một bộ quy định mới bên cạnh Luật Cạnh tranh hiện hành. Những quy tắc này nhằm mục đích giữ cho thị trường kỹ thuật số luôn sôi động và cởi mở cho cạnh tranh. Cụ thể, cơ quan này đã đề xuất một hệ thống chủ động, tương tự như Đạo luật Thị trường kỹ thuật số châu Âu hoặc Dự luật tiêu dùng, cạnh tranh và thị trường kỹ thuật số của Vương quốc Anh. Hệ thống mới sẽ áp dụng cho các SIDI, tương tự như người gác cổng. Các SIDI này sẽ phải tuân theo 10 nghĩa vụ chung, bao gồm báo cáo các giao dịch dưới ngưỡng, xử lý dữ liệu người tiêu dùng một cách có trách nhiệm, đặt ra các quy tắc quảng cáo và tránh quan hệ đối tác độc quyền….
Ngày 7.11.2023, Bộ Doanh nghiệp Ấn Độ đã gia hạn nhiệm kỳ CDCL lên đến ngày 31.12.2023. Khi kết thúc nhiệm kỳ, CDCL sẽ phải nộp báo cáo cho Chính phủ, bao gồm cả dự thảo Luật Cạnh tranh kỹ thuật số. Trong khi đó, CCI đã thành lập Đơn vị thị trường kỹ thuật số để xem xét các hoạt động chống độc quyền của các công ty công nghệ.
Hiện CDCL đang xem xét liệu các quy định hiện hành trong Luật Cạnh tranh cũng như các quy định, quy tắc được đóng khung trong đó có đủ để giải quyết những thách thức nảy sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số? Và dựa trên các khuyến nghị của CDCL, Chính phủ sẽ tìm hiểu xem liệu Ấn Độ có cần thiết phải xây dựng một luật về cạnh tranh kỹ thuật số riêng biệt hay không.
Việc Ấn Độ dự tính ban hành luật về cạnh tranh kỹ thuật số vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách trên thế giới ngày càng lo ngại về sức mạnh và sự thống trị của những ông lớn công nghệ trong nền kinh tế số là một động thái rất đáng chú ý. Bởi nó sẽ góp phần xây dựng một sân chơi bình đẳng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.