Giá thuê sẽ tăng 6 - 10%
2 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao.
CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022, thậm chí kéo dài đà tăng trưởng sang năm 2023. Về giá thuê, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo sẽ tăng 6 - 10% so với cùng kỳ trong 2021 ở cả phía Nam và Bắc. Theo đó, giá cho thuê tại các khu công nghiệp miền Nam đạt 114 USD/m2/chu kỳ, tăng 7,1%; miền Bắc 108 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,1%.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) Nguyễn Chí Thanh đánh giá, phân khúc này sẽ phát triển mạnh hơn cả bất động sản du lịch. Hiện nay, bất động sản công nghiệp đã mở rộng ra các tỉnh miền Trung chủ yếu thông qua kết nối bằng đường biển. Bên cạnh đó, các tỉnh vùng sâu vùng xa với quỹ đất tương đối tốt cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Theo ông Thanh, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là đòn bẩy cho thị trường bất động sản công nghiệp thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tương tự, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Savills Việt Nam cũng nhận định năm 2022 bất động sản công nghiệp và logistics tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng vọt. Đây là phân khúc được săn đón trong vài năm qua. Điều này sẽ còn tiếp diễn và tạo đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để đầu tư vào các dự án xí nghiệp mới. Ví dụ là thông báo mới đây về việc nhà máy sản xuất LEGO sẽ được xây dựng tại Việt Nam và áp dụng tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào thiết kế của họ.
Còn nhiều rào cản
Tuy vậy, bất động sản công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và nếu muốn tăng tính cạnh tranh thì phải sớm tháo gỡ. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện và lực lượng lao động có tay nghề chuyên sâu vẫn đang rất thiếu.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, dù có tiềm năng nhưng bất động sản công nghiệp vẫn kém hấp dẫn so với bất động sản nhà ở, sức kéo vốn đầu tư tư nhân cũng không cao, đa phần vẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bất cập lớn nhất là thiếu phúc lợi cho người lao động, như vấn đề nhà ở cho công nhân được bàn luận từ lâu, đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Chất lượng quản lý tại các khu công nghiệp cũng hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là thách thức lớn về bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực chất lượng cao. “Chúng ta có chính sách mở cửa mạnh nhưng lại chưa có biện pháp tận dụng ưu thế của phân khúc bất động sản công nghiệp. Thời gian tới, cần phát triển toàn diện hơn, từ đồng bộ cơ sở hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi người lao động, hoàn thiện các dịch vụ nhà ở cho công nhân... Làm tốt sẽ giúp phân khúc này có động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế”, ông Võ nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, địa phương có các khu công nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi nhất từ cơ chế, chính sách đến quỹ đất để các nhà đầu tư yên tâm. Giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội cũng là giải pháp thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần làm việc với các địa phương, ngay từ khâu quy hoạch cần rõ ràng sẽ dành bao nhiêu phần trăm quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp…
Hiện tại, miền Bắc có khoảng 63.500ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng. Trong đó, Quảng Ninh đứng thứ nhất với 11.300ha đất khu công nghiệp, chiếm 18%. Tiếp đó là Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và Hà Nội - 5 tỉnh này chiếm hơn 50% tổng thị phần toàn miền Bắc.
Tại miền Trung đang có khoảng 260 dự án khu công nghiệp trong quy hoạch với tổng quy mô 62.800ha. Thanh Hóa đứng đầu với 19% thị phần, tương đương 12.100ha. Theo sau là các tỉnh Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi. 5 tỉnh này có tổng thị phần vượt quá 60% toàn khu vực.
Miền Nam hiện có khoảng 400 khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô diện tích lên đến 109.000ha. Bình Dương có nhiều bất động sản công nghiệp nhất với thị phần 13%, tương đương 14.500ha, tỷ lệ lấp đầy đạt tới 88,13%. Tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai, Long An. Tổng cộng 5 tỉnh chiếm hơn 50% thị phần.