Ts. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Trong hai ngày thảo luận Báo cáo của Chính phủ “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”, đã có tới 82 ĐBQH phát biểu, 17 ý kiến tranh luận và tranh luận lại; 1 Phó Thủ tướng, 7 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề. Các phiên thảo luận đã diễn ra khá sôi động, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Các ĐBQH đã đề cập sâu sắc, chi tiết tới rất nhiều vấn đề và nhìn chung đều thống nhất cao với những nội dung cơ bản mà Chính phủ đã trình. Dưới đây là 5 điểm nhấn quan trọng.
1 - Thành công trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19
Có thể khẳng định tuyệt đối rằng, tất cả các ý kiến phát biểu, các báo cáo giải trình, không một ai không đề cập tới đại dịch Covid-19, trong đó có 5 đại biểu phát biểu có tính chất chuyên đề. Và tất cả nghị trường đều chung một tiếng nói, thành công bước đầu nhưng ý nghĩa cực kỳ lớn lao, đặc biệt là hai vấn đề sau: Một là, ngay từ khi thế giới còn đang bàn thảo tên gọi của virus (sau này mới thống nhất là Covid-19) thì Đảng và Nhà nước ta đã đi trước một bước, xác định rõ, sức khỏe con người là trước hết và trên hết; tạm thời hy sinh kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tính mạng con người trong dài hạn (lâu dài). Sự nhạy bén trong nhận định tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo từ rất sớm của Đảng; sự điều hành thực hiện kịp thời, quyết liệt của Nhà nước và sự đồng lòng “muôn người như một” của nhân dân đã đem lại kết quả cao, có sức thuyết phục lòng người, đúng là “Ý Đảng, lòng Dân”. Số liệu cập nhật sáng qua, 20.6 cho thấy, trên thế giới đã có hơn 8,7 triệu ca mắc bệnh và hơn 461.000 người tử vong, ở nhiều nước nguy cơ dịch bệnh còn khá nặng, nhưng ở Việt Nam chỉ có 349 người mắc, chưa có ca nào tử vong và đã qua hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thắng lợi bước đầu rất quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận, chúc mừng và trân trọng. Hai là, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế thì đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của toàn thể nhân loại kể từ sau Thế chiến thứ II tới nay. Như vậy, có thể coi đại dịch Covid-19 là một “phép thử khắt khe” đối với tất cả các quốc gia, các Chính phủ trong quan hệ Nhà nước với Nhân dân và Nhân dân với Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta đã lo cho dân cuộc sống từng ngày trong thời gian đại dịch và dài lâu sau khống chế được dịch; tận tâm, tận lực chữa trị cho từng bệnh nhân, không phân biệt công dân nước Việt hay công dân nước khác... Rõ ràng là, chỉ có những sự kiện tác động dữ dội, khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, không phân biệt châu lục, địa bàn; không phân biệt nước to, nước nhỏ; không phân biệt trình độ công nghệ và quy mô nền sản xuất; không phân biệt các nền văn hóa, văn minh; không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, màu da, giới tính... thì mới biết thể chế chính trị nào ưu việt hơn thể chế chính trị nào.
2 - Chuẩn xác lại con số tăng trưởng kinh tế
Tuyệt đại bộ phận các đại biểu đều tán thành với Chính phủ là, rất cần thiết phải đánh giá lại khả năng phát triển của nền kinh tế năm 2020 trong điều kiện tác động tiêu cực, tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19. Trước hết là phải tính toán lại khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo các con số rất khác nhau, nhưng có điểm chung thống nhất cao là, kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng trưởng dương (trong khi các nền kinh tế của nhiều cường quốc đều tăng trưởng âm). Phần lớn các dự báo tăng trưởng đều đạt trong khoảng 3,5 đến 4%, riêng IMF dự báo thấp nhất, chỉ 2,7%. Nhưng không ai hiểu mình bằng chính mình, nên chúng ta phải tự mình chuẩn xác lại tốc độ tăng trưởng một cách căn cơ. Vì con số tăng trưởng của năm 2020 sẽ tác động đến con số của 5 năm (2016 - 2020). Và kết quả đạt được của năm 2020 như thế nào sẽ có tác động quyết định đến kế hoạch tăng trưởng 5 năm tới (2021 - 2025). Con số tăng trưởng kinh tế còn có tác động trực tiếp đến các con số cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, vì thế phải chuẩn xác lại một lần nữa cho có độ tin cậy cao hơn.
Dù tính chất, mức độ, phạm vi rất khác nhau, nhưng chúng ta cũng đã có được những kinh nghiệm ứng phó với hai cuộc khủng hoảng gần đây: Khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2007 - 2009. Từ các yếu tố này gắn với tình hình thực tại, Chính phủ đã dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2020 khoảng 4,5% và nỗ lực phấn đấu để đạt cao hơn. Đây là phương án khả thi vì đã tính toán tương đối đầy đủ các yếu tố tác động thuận - nghịch nên được đông đảo ĐBQH phân tích và tán đồng.
3 - Bằng mọi giải pháp phải kích hoạt sản xuất kinh doanh phát triển
Giải pháp tổng thể là chuẩn bị các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường và phương án phục hồi ngay tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững sau dịch.
Còn các giải pháp cụ thể, tức thời gồm một loạt chính sách cho từng đối tượng, bao gồm: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đã bước đầu khống chế được dịch. Chuyển đổi ngay phương thức đầu tư từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nhất là đối với một số dự án giao thông đường bộ cấp bách. Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Có thể kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang 2021, trong năm 2021 sẽ ban hành định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn. Riêng giải pháp chưa tăng mức lương cơ sở từ ngày 1.7 năm nay, phần đông ý kiến tán thành, nhưng cũng có loại ý kiến chỉ nên tạm dừng đối với lao động đang làm việc, còn đối với lao động đã nghỉ hưu, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội (nói chung là những đối tượng thu nhập thấp) thì vẫn nên có biện pháp tăng thêm thu nhập để bảo đảm đời sống cho họ...
Đi đôi với các giải pháp trên còn phải tiếp tục với quyết tâm cao xây dựng một hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh để phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ách tắc trong quá trình phục hồi nền kinh tế - xã hội.
4 - Xử lý có hiệu quả hơn nữa các vấn đề xã hội
Trong thảo luận, có đại biểu đưa ra một khái niệm khá mới mẻ, đó là “kinh tế - văn - xã”. Theo đại biểu này thì nội hàm của kinh tế - văn - xã là kết quả hoạt động kinh tế (tính bằng tiền) của một số ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội đem lại. Cũng theo đại biểu này thì thời gian qua, số tiền thu được là khá lớn. Nhưng có thể hiểu rộng hơn là, lĩnh vực văn - xã, nhất là các vấn đề xã hội, thường khi ban hành chính sách là phải kèm theo chi ngân sách; thì nay các lĩnh vực đó đã bắt đầu có thu, nhất là các vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch. Có lẽ đây là vấn đề thực tiễn, cần suy nghĩ, nghiên cứu sâu hơn trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của lĩnh vực văn - xã.
Đông đảo các ý kiến đều đánh giá, trong đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã xử lý các vấn đề xã hội khá tốt, rất hài hòa: Bảo đảm nhu cầu thiết yếu (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng...) cho toàn dân; bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường cho người dân phải cách ly. Khuyến khích các doanh nghiệp bằng mọi biện pháp duy trì sản xuất, giữ việc làm để người lao động có thu nhập. Đặc biệt là không ít doanh nghiệp đình đốn sản xuất nhưng không sa thải lao động, giữ họ lại và trả họ mức lương cơ bản. Rõ ràng là chỉ có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mới làm được việc này. Khoảng 20 triệu người bị giảm thu nhập sâu đã và đang được xem xét để hưởng trợ cấp trong gói kinh phí 62 nghìn tỷ đồng...
Tuy nhiên, các đại biểu hoàn toàn có lý khi nêu ý kiến: Quan trọng hơn cả vẫn là nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế để 5 triệu lao động đang ngừng việc hoặc mất việc trở lại làm việc bình thường. Muốn vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phải nhanh chóng khai thông các thủ tục để gói tín dụng 280 nghìn tỷ đồng cùng các nguồn vốn khác nhanh chóng “chảy” vào nền kinh tế, “chảy” xuống các doanh nghiệp để sớm hồi sinh sản xuất. Hai trong 3 tư lệnh ngành nói trên cũng đã giải trình như thế trước Quốc hội.
5 - Công tác điều hành của Chính phủ tiến bộ hơn
Khá nhiều đại biểu đánh giá cao sự điều hành nhạy bén, linh hoạt, khẩn trương, kiên quyết và tập trung của Chính phủ trong thời gian qua. Đặc biệt là trong chỉ đạo phòng, chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã phân công, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, nhịp nhàng giữa các lực lượng, giữa các công đoạn xử lý dịch bệnh. Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản theo các tình huống và chỉ đạo xử lý tình hình theo đúng kịch bản. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã góp phần rất quan trọng trong việc sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Do vậy, các đại biểu đã đề nghị Nhà nước tuyên dương, khen thưởng kịp thời, nhất là những tổ chức, cá nhân ở tuyến đầu chống dịch. Điều hành nhanh, nhạy để bước đầu thực hiện được “mục tiêu kép” là một trong những thành tích nổi trội hiện thời của Chính phủ.