Tình trạng phân lô, bán nền thời gian qua đã trở thành một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận. Không ít địa phương đã để xảy ra tình trạng, nguồn gốc đất là đất nông nghiệp nhưng được một số đối tượng chuyển nhượng sau đó tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chuyển nhượng cho khách hàng.
Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai Đinh Duy Vượt đã từng thẳng thắn, việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí “liều không tuân thủ pháp luật”. Các doanh nghiệp không đầu tư cho sản xuất, mà chỉ chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.
Còn Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cho rằng, việc nhà đầu tư tự ý thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền chưa đúng quy định của pháp luật đất đai là việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật, có biểu hiện ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau” của người có thẩm quyền và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nhiều địa phương đang tạo ra cơ chế thoáng để thu hút đầu tư, còn một số cán bộ thoái hóa đang chú trọng cho nhóm lợi ích riêng.
Cũng bởi sự nôn nóng trong thu hút đầu tư, sự buông lỏng trong quản lý và cả việc thiếu rõ ràng trong quy định của pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền trái pháp luật, thiếu kiểm soát. Đây cũng là cơ hội để một số doanh nghiệp “vẽ” dự án nhằm lừa gạt khách hàng. Không ít người mua đã trở thành nạn nhân trong những thương vụ mua bán đất đai tiền tỷ trái phép, mà chỉ khi tiền mất, người mua nhà mới biết đó chỉ là những dự án “ma”, hay là do phân lô, bán nền trái pháp luật.
Theo quy định của Luật Đất đai: Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương. UBND tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
Chiếu theo quy định, thì Luật Đất đai không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất không phải là đất ở. Tuy vậy, tại Khoản 31, Điều 2 của Nghị định 01/2017-NĐ-CP lại quy định: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Quy định này đồng nghĩa với việc cho phép tách thửa đối với từng loại đất như: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp. Quy định của nghị định “thoáng” hơn cả quy định của Luật dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng để tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị. Đây là bất cập, cần phải được sửa đổi kịp thời.
Theo Nghị quyết số 82/2019/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định điều chỉnh lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường. Đã đến lúc, Chính phủ phải khẩn trương rà soát các quy định pháp luật về đất đai để kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể để tình trạng Luật thì “chặt” mà văn bản dưới luật lại “mở”.