Vào ngày 25.1.1949, cuộc bầu cử lập pháp Israel đầu tiên đã diễn ra và ngày 14.2 năm đó, phiên họp đầu tiên của Hội đồng lập hiến được tổ chức tại Jerusalem. Ông Joseph Shprinzak đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng lập hiến. Hai ngày sau phiên khai mạc, Hội đồng lập hiến đã quyết định đổi tên thành “Knesset”, cơ quan quyền lực cao nhất của Israel kể từ sau khi người Do Thái lưu vong ở Babylon trong thế kỷ thứ V trước Công nguyên.
Đến nay, tròn 60 tuổi, Knesset vẫn duy trì quan hệ liên tục với nghị viện của các quốc gia trên thế giới. Knesset là thành viên của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và có các quan sát viên tại các phiên họp của Đại hội đồng Nghị viện Châu âu, Hội đồng Châu âu cho tới các cuộc họp nghị viện quốc tế khác.
Theo thời gian, Knesset ngày càng đổi mới. Rõ rệt nhất có lẽ là ở Knesset khóa XVII (bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 3.2006). Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Knesset, phần lớn các ghế trong Quốc hội do một đảng mới thành lập (đảng Kadima) nắm giữ. Tuy nhiên, các thành viên kỳ cựu của Kadima đều là các cựu thành viên của Knesset từ các đảng khác gia nhập như Thủ tướng Ehud Olmert rời Likud gia nhập Kadima; Phó thủ tướng Shimon Peres sau đó được bầu làm Tổng thống Israel, đã chuyển từ Kadima sang Công đảng...
Đặc biệt, Chủ tịch Knesset là bà Dalia Itzik. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Knesset, một phụ nữ được bầu làm Chủ tịch. Điều đặc biệt nữa ở nhiệm kỳ này là Chủ tịch Ủy ban vì Vị thế của Phụ nữ lại do thành viên nam của Knesset nắm giữ. Dưới sự lãnh đạo của ông Gideon Sa’ar, hoạt động lập pháp vì quyền của phụ nữ ở Israel đã được mở rộng. Nếu như trong hầu hết các nhiệm kỳ của Knesset đều chỉ có 18 nữ nghị sĩ, thì đến nay sau 60 năm, ở Knesset XVIII này (bắt đầu nhiệm kỳ ngày 24.2.2009), 20% thành viên Knesset là phụ nữ. Quyền Chủ tịch Knesset XVIII M.Eitan tự tin nói rằng: “Những quốc gia có tỷ lệ nữ giới trên chính trường cao thì các quốc gia này cũng có xu hướng cơ cấu xã hội tốt hơn”.
Là cơ quan lập pháp cao nhất của Israel, nên đương nhiên hoạt động lập pháp là quan trọng nhất ở Knesset. Tốc độ thông qua luật ở Knesset cũng ngày càng tăng cao. Kể từ khi Knesset XVIII nhậm chức, các nghị sỹ đã đệ trình hơn 200 dự luật, trong đó có dự luật phục hồi hệ thống trường học, bắt đầu giảm quy mô lớp học, thành lập hội đồng giáo dục quốc gia và cả dự luật gây nhiều tranh cãi như hôn nhân đồng tính. Trong 3 năm của nhiệm kỳ Knesset khóa XVII, đã có khoảng 9.000 dự luật được giới thiệu. Năm 2008, Knesset đã thông qua nhiều dự luật nhạy cảm như Luật Cấy ghép Nội tạng; Luật quyền được chết do những căn bệnh đau đớn về thể xác mà không có triển vọng sống; Luật công nhận quyền làm cha, mẹ của những cặp đồng tính khi nhận con nuôi... Các hoạt động môi trường của Israel cũng giành được chiến thắng với Luật Không khí sạch, theo đó áp đặt chuẩn khí thải chặt chẽ và các thủ tục quản lý chất lượng không khí.
Trong khi đó, Ủy ban Hiến pháp, Luật pháp và Tư pháp của Knesset vẫn tiếp tục xây dựng hiến pháp và điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi thực tế trong hệ thống chính phủ nước này. Những quan hệ giữa các cơ quan hành pháp và lập pháp được bổ sung trong Luật Knesset - mỗi bộ trưởng có trách nhiệm trả lời câu hỏi của nghị viện trực tiếp và liên quan tới hoạt động trong lĩnh vực của mình. Những sửa đổi cũng yêu cầu mỗi bộ trưởng phải nộp bản báo cáo thường kỳ cho Knesset về hoạt động cũng như chi tiêu ngân sách của Bộ do mình phụ trách.
Hơn 3 tháng sau khi Knesset khóa XVII giải tán, Knesset khóa XVIII đã nhậm chức vào ngày 24.2 vừa qua. Tại phiên khai mạc, ông Michael Eitan của đảng Likud, nghị sỹ phục vụ lâu nhất (ông vào Knesset từ năm 1984), được chỉ định làm quyền Chủ tịch Knesset XVIII cho tới khi có một chủ tịch được bầu. Do nhiều hoạt động của Knesset phụ thuộc vào các hoạt động của chính phủ và khi chưa thành lập được chính phủ mới (theo Luật Knesset, các đảng có 1 tháng tới 6 tuần để thành lập chính phủ) thì cũng chưa có ủy ban nào trong Knesset XVIII được lập ra. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, theo ông Eitan, “Knesset vẫn là một diễn đàn thảo luận các ý tưởng và chính sách lâu dài”.