Trên thực tế, dù đã có các quy tắc để bảo đảm tính thống nhất trong công tác xây dựng quy hoạch, nhưng việc nội dung các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Để khắc phục vấn đề này, trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (bản trình Quốc hội), cơ quan soạn thảo đã thiết kế Điều 7 quy định về “nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Theo đó, khoản 2 quy định về một số nguyên tắc trong quá trình xây dựng quy hoạch như nội dung của quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; quy hoạch không gian ngầm phải phù hợp với quy hoạch chung. Đặc biệt, khoản 3 quy định về việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ giữa các quy hoạch khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo theo hướng: nếu có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch cấp cao hơn hoặc nếu cùng cấp thì áp dụng quy hoạch ban hành sau. Điều này có thể nói là nhằm đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Nói như vậy là bởi khi góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy tắc trong việc áp dụng quy hoạch, để xác định được khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch nào. Dẫn ví dụ đối với văn bản quy phạm pháp luật vẫn có nguyên tắc ưu tiên áp dụng khi các văn bản có nội dung mâu thuẫn nhau, VCCI cho rằng, điều này mang lại lợi ích to lớn, bởi người dân và doanh nghiệp không phải đợi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được thực hiện công việc của mình. Mặc dù như vậy có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua quy định hợp lý mà lại áp dụng quy định bất hợp lý, nhưng theo VCCI, tác động tiêu cực này nhỏ hơn so với việc phải chờ đợi sửa đổi văn bản.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cho rằng hướng xử lý như vậy chưa phù hợp trong một số trường hợp và chưa phù hợp với nguyên lý các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn phân chia thành các cấp độ có ý nghĩa cụ thể hóa dần. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện khoản 3 Điều 7 theo hướng phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch năm 2017.
Theo đó, việc xử lý khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch phải căn cứ vào cấp quy hoạch thay vì căn cứ vào thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và thời điểm phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, trường hợp mâu thuẫn thì cần xem xét rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để có cơ sở thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành (đầu tư, xây dựng, nhà ở…) và bảo đảm tính tổng thể cũng như vị trí, vai trò, tính khoa học và tính thống nhất nội tại của mỗi loại quy hoạch.
Xử lý khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng và cũng rất khó. Theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, có thể thấy cơ quan soạn thảo đã xây dựng, rút ra, rồi lại đưa vào khoản 3 Điều 7 này. Dự kiến ngày 20.6, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn sẽ được trình Quốc hội. Hy vọng thông qua các cuộc thảo luận ở tổ và ở hội trường sau đó, sẽ tìm được phương án xử lý khi xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch vừa bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, vừa đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.