Thu thập nhiều ý kiến tâm huyết, chuyên sâu
Qua nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần để Quốc hội thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng (hoàn thành 112/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ; xem xét, thông qua 23 luật, pháp lệnh, 28 nghị quyết)... Qua đó, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Cụ thể, căn cứ tình hình thực tiễn tổng kết thi hành luật, Đoàn đã chủ động tham gia đề xuất nội dung đưa vào chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa và hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với những nội dung chưa tuân thủ trình tự, thủ tục hoặc có nội dung chưa rõ, Đoàn thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đề xuất chưa đưa vào chương trình, nhằm bảo đảm chất lượng.
Hằng năm, trên cơ sở Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Đoàn đã phân công các đại biểu là thành viên của Ủy ban thẩm tra các dự án luật, theo dõi chuyên sâu và thảo luận tại các kỳ họp. Căn cứ vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự án luật, nghị quyết, Đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, khảo sát, tham gia hội thảo và gửi văn bản lấy ý kiến trực tiếp các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước và các đối tượng chịu tác động của chính sách… Cụ thể, Đoàn tổ chức 9 hội nghị lấy ý kiến xây dựng pháp luật các dự án luật, như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Hợp tác xã (sửa đổi); Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Thanh tra (sửa đổi)…; đồng thời, tổ chức 2 cuộc khảo sát xây dựng Nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe.
Song song đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng luôn xác định rõ: công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Do vậy, đối với dự án luật tác động lớn, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội như Luật Đất đai (sửa đổi), Đoàn đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong Nhân dân, các ngành, các cấp, các đối tượng chịu sự tác động… Qua đó, thu thập được nhiều ý kiến tâm huyết, chuyên sâu và xây dựng, gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, Nhân dân, các cấp, ngành về các dự án luật luôn được Đoàn chú trọng và có nhiều đổi mới, với hình thức đa dạng và phát huy thế mạnh công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông. Theo đó, chuẩn bị TXCT trước các kỳ họp, Đoàn đã gửi đến cử tri nội dung các dự án luật thông qua cổng thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh, mã quét QR để cử tri thuận tiện khai thác tài liệu, nghiên cứu, góp ý… Đây cũng là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng ngay từ khâu xây dựng pháp luật nhằm huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của cử tri, Nhân dân. Trên cơ sở đó, các thành viên ĐBQH trong Đoàn đã tích cực tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận tổ, hội trường. Với lập luận sắc sảo, có sơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn mang tính xây dựng cao, nhiều ý kiến đã được ghi nhận, đánh giá cao…
Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận thấy: công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật chậm được khắc phục; vai trò của chuyên gia nghiên cứu, lấy ý kiến xây dựng các dự án luật chưa được phát huy… Bên cạnh đó, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật ở một số cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, cán bộ, công chức chưa đầy đủ; một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nghiên cứu, góp ý.
Có cơ chế tài chính bảo đảm nguồn ngân sách thích đáng
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thống nhất các giải pháp, như: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; chủ động tuyên truyền, phổ biến những nội dung định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, cũng như kế hoạch xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH.
Đồng thời, bám sát đề án và nghị quyết về Chương trình xây dựng luật hàng năm để chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, hội nghị, lấy ý kiến bằng văn bản… nhằm thu thập những nội dung thực tế, giúp đại biểu nắm bắt bao quát và phản ánh kịp thời tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ về những vướng mắc trong triển khai thực hiện các văn bản pháp luật. Phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp kiến nghị, đề xuất Trung ương quan tâm các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát huy hiệu quả chính sách, pháp luật tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, của ĐBQH, nhất là giám sát đối với công tác tổ chức thi hành luật và văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, xem đây là kênh thông tin quan trọng phản ánh mức độ “đi vào cuộc sống” của văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong thi hành để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục hoặc sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động phản biện xã hội đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết... Lựa chọn nội dung để tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có trình độ pháp lý, kiến thức chuyên sâu tham gia nghiên cứu, góp ý có chất lượng…
Mặt khác, cần nghiên cứu, có cơ chế tài chính bảo đảm nguồn ngân sách thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật, thuê, khoán đội ngũ chuyên gia; xem đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật như là đầu tư cho phát triển “cơ sở hạ tầng” pháp lý... Kịp thời tổng kết, sửa đổi Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động Quốc hội; do các chế độ, định mức này được ban hành đã lâu, còn thiếu danh mục, nhiều định mức còn thấp…