
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn vừa có cuộc làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lựcđáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024.
Điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước - có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển, sử dụng nguồn nhân lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, còn nhiều khó khăn, thách thức thành phố đang phải đối mặt, nhất là việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Các chính sách này đã góp phần thu hút, giữ chân đội ngũ nhân sự tài năng, tạo động lực để nhiều cá nhân tiếp tục cống hiến.
Giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung triển khai 6 chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm. Thành phố cũng đã xây dựng Hội đồng thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, góp phần triển khai hiệu quả chính sách tuyển chọn đúng người, đúng việc. Giai đoạn 2018 - 2023, thành phố đã thu hút 10 chuyên gia, nhà khoa học và hiện đang đề xuất tuyển thêm 12 vị trí.
Thành phố cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với sự phối hợp chặt chẽ từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học trên địa bàn.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra với TP. Hồ Chí Minh là tình trạng nghỉ việc trong khu vực công. Theo thống kê của UBND thành phố, từ năm 2020 đến tháng 3.2023 có gần 9.500 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, phần lớn tập trung ở lĩnh vực giáo dục và y tế. Nguyên nhân được xác định do áp lực công việc, mức đãi ngộ chưa tương xứng, cơ hội thăng tiến hạn chế, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống..

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, nhu cầu nhân lực tại các ngành, lĩnh vực thay đổi nhanh chóng; do vậy, cần có cơ chế linh hoạt hơn trong chính sách đào tạo và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao và có các điều chỉnh kịp thời trong quy định để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, việc cải tiến các quy trình điều chỉnh chính sách cũng cần được đơn giản hóa nhằm giảm bớt khó khăn cho các trường đào tạo và cơ quan quản lý.
Hiện nay, một số trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả nhưng lại không thuộc sự quản lý trực tiếp của địa phương, gây khó khăn trong việc phối hợp và định hướng phát triển. Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị xem xét điều chỉnh theo hướng các trường đóng trên địa bàn địa phương nào thì nên giao cho địa phương đó quản lý, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh và bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực tại từng địa phương.
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
Qua khảo sát thực tế tại một số đơn vị trên địa bàn, một trong những vấn đề Đoàn giám sát chỉ ra, là "cung" chưa đáp ứng được "cầu" của thị trường lao động liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu về lao động chuyên nghiệp, lành nghề, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng tăng nhanh do sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, dịch vụ, song tình trạng thiếu hụt lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu về kỹ năng vẫn chưa được khắc phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của thành phố.
Một vấn đề nữa được Đoàn giám sát nêu, đó là trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ rất nhanh, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, truyền thông và công nghệ thông tin... như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm, thu nhập tương xứng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, với một địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ cao trong những lĩnh vực then chốt, trọng điểm, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì còn rất nhiều việc TP. Hồ Chí Minh phải làm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và giảm thâm dụng lao động trong các ngành chế tạo, chế biến.
Để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn phát triển trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố cần chú trọng cải cách giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, việc phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng toàn cầu sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thành phố cần ưu tiên đào tạo nghề, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, phát triển đội ngũ nhà giáo chất lượng cao và đẩy mạnh mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp.
Với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân nhân tài; nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đào tạo - sử dụng nhân lực bền vững.
“Trên hết, cần tận dụng thế mạnh trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi vượt trội, tạo sức hút cạnh tranh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.