Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động
Khi thực hiện giao dịch việc làm bằng điện tử sẽ giúp người lao động và phía người sử dụng lao động xóa bỏ khoảng cách về không gian địa lý, từ đó có nhiều cơ hội để kết nối thuận lợi hơn.
Cùng với sự bùng nổ về khoa học công nghệ: cách mạng công nghiệp 4.0, AI, Big Data... thì các hoạt động cung cấp dịch vụ việc làm thời gian qua cũng đã có sự thay đổi để phù hợp. Cụ thể, dịch vụ việc làm đã có nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp, kết nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp được thực hiện bằng điện tử, trên không gian mạng.

Mặc dù lợi ích của việc thực hiện các giao dịch bằng điện tử là rất lớn, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro với người lao động, doanh nghiệp, như lừa đảo, chiếm đoạt, môi giới mua bán người... nên quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không được đảm bảo.
Để khắc phục được những bất cập trên, theo các chuyên gia, cần có các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dịch vụ việc làm để vừa chính thức hóa, vừa bảo đảm được quyền lợi hợp pháp cho người lao động, doanh nghiệp...
Theo đó, việc bổ sung quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dịch vụ việc làm phải thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch việc làm bằng điện tử.
Các giao dịch việc làm bằng điện tử được công nhận và theo dõi, quản lý tương tự bằng các hình thức giấy. Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, xóa bỏ khoảng cách về không gian địa lý. Các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức thương mại điện tử được quản lý thống nhất.
Lợi ích khi được cụ thể hóa ngay trong luật
Để cụ thể hóa được mục tiêu trên, theo các chuyên gia, ngay trong khoản 3 Điều 46 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung quy định về việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Còn ở Điều 47 cần bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử: điều kiện kinh doanh, nội dung kinh doanh, thông tin về việc phải bảo đảm khi thực hiện thương mại điện tử. Đồng thời, bổ sung việc xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia là một nội dung hỗ trợ của nhà nước để phát triển thị trường lao động ở điểm c khoản 1 Điều 53.

Với việc sửa đổi cụ thể 3 Điều trên ngay trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả phát triển kinh tế đất nước.
Mặc dù, phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng chi ngân sách để xây dựng, vận hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Dự kiến, đầu tư ban đầu khoảng 200 tỷ đồng, số tiền vận hành khoảng 5 tỷ đồng/năm nhưng lại tăng thu do quản lý được hoạt động giao dịch việc làm theo phương thức thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đối với tổ chức dịch vụ việc làm sẽ tiết kiệm được các chi phí để kết nối giữa người lao động, doanh nghiệp. Còn đối với người sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được chi phí tuyển dụng lao động; có địa chỉ tin cậy để đến tìm kiếm lao động; tuyển được lao động nhanh, kịp thời, đáp ứng nhu cầu góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi, đối với người lao động thì tiết kiệm được chi phí, thời gian tìm kiếm việc làm.
Với việc cụ thể hóa ngay trong luật quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dịch vụ việc làm cũng sẽ giúp phía cơ quan Nhà nước quản lý được nguồn lực chính xác, ngăn ngừa tiêu cực đến với người lao động, doanh nghiệp; điều tiết được thị trường lao động nhanh, kịp thời thông qua các thông tin khi vận hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia.
Với tổ chức dịch vụ việc làm, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ việc làm, trở thành điểm đến tin cậy của người lao động, người sử dụng lao động.
Đối với người sử dụng lao động, sẽ kịp thời tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, không bị rào cản bởi địa lý. Đối với người lao động, sẽ có việc làm nhanh chóng, không bị rào cản bởi địa lý.
Việc việc cụ thể hóa ngay trong luật quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dịch vụ việc làm cũng góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển thị trường lao động; phù hợp các quy định liên quan tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại và văn bản hướng dẫn.