Ngay tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, vướng mắc và thách thức trong lĩnh vực này như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức...
Để khắc phục những tồn tại đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đã cho phép thực hiện nhiều cơ chế đột phá, nhưng chưa đủ. Việc trình Quốc hội ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, vì thế, không chỉ là bước tiếp theo trong chuỗi các hành động quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ nhằm thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 57 "thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước" mà còn là một đòi hỏi chiến lược về đổi mới tư duy phát triển đất nước.
Trong vài tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cùng Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã liên tục có các cuộc làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học lớn của đất nước và các cơ quan liên quan để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thẩm tra, trình Quốc hội dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Cách làm này tiếp tục cho thấy tinh thần đổi mới tư duy lập pháp của Quốc hội: luật pháp phải xuất phát từ cuộc sống, vì cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống, kiến tạo sự phát triển. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bởi đây không chỉ là đạo luật cho một lĩnh vực chuyên ngành mà còn là khung khổ thể chế thể hiện tầm nhìn chiến lược của đất nước trong kỷ nguyên công nghệ và tri thức.
Một yêu cầu tiên quyết trong quá trình xây dựng đạo luật quan trọng này chính là phải vượt qua tư duy “hành chính hóa” khoa học - công nghệ, dứt khoát chuyển sang tư duy kiến tạo thể chế. Đặc biệt, phải loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm" hoặc quản lý quá thận trọng bởi điều này chắc chắn sẽ khiến cả nhà khoa học và doanh nghiệp đều e ngại, từ đó kìm hãm sự đổi mới sáng tạo. Phải xác định thật rõ vai trò của Nhà nước là một “kiến trúc sư trưởng”, từ xây dựng hạ tầng dữ liệu mở, cơ sở nghiên cứu trọng điểm, trung tâm đổi mới sáng tạo, cho đến việc tạo môi trường pháp lý linh hoạt cho các mô hình sandbox, start-up công nghệ và hợp tác công - tư...
Cùng với đó, cần có các cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng, bảo hộ tài sản trí tuệ và chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế tài chính linh hoạt, kết hợp giữa đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ công với cơ chế cạnh tranh công bằng. Có quy định rõ về cơ chế quỹ đầu tư mạo hiểm công - tư trong lĩnh vực công nghệ, tạo điều kiện cho nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tiếp cận vốn kịp thời và hiệu quả. Đây cũng là cách thức mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công.
Mặt khác, phải thật sự đặt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ ở vị trí trung tâm. Điều này không chỉ thể hiện ở chế độ đãi ngộ bằng tiền lương, mà quan trọng hơn là phải tạo điều kiện pháp lý cho trí thức khoa học về quyền sở hữu trí tuệ, quyền thương mại hóa nghiên cứu. Song song với đó, cần có cơ chế thu hút chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về làm việc tại Việt Nam, với mô hình hợp đồng linh hoạt, minh bạch và phù hợp với thực tiễn thị trường lao động chất lượng cao.
Dự kiến trong tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, dự luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới. Hơn lúc nào hết, tinh thần cách mạng của Nghị quyết số 57 và những vướng mắc, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống đang đặt ra phải được nghiên cứu, đánh giá thấu đáo và thể hiện sâu sắc trong từng điều khoản cụ thể của dự luật. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải thực sự là đòn bẩy thể chế cho sự phát triển chiến lược của đất nước trong kỷ nguyên mới.