Cuộc khủng hoảng ở Bangladesh

Viễn cảnh tương lai khó đoán định

Sau nhiều tuần rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực, tình hình tại Bangladesh đã tạm thời lắng xuống sau khi Thủ tướng từ chức và Tổng thống chỉ định người đứng đầu chính phủ lâm thời. Tuy vậy, viễn cảnh sắp tới của quốc gia Nam Á này vẫn khó đoán định vì còn ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn.

Bangladesh đang đối mặt với biến động chính trị nghiêm trọng sau khi nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và phải rời khỏi đất nước do sức ép của những người biểu tình phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Sự kiện này đã đặt dấu chấm hết cho hành trình 15 năm nắm quyền của nữ chính trị gia được biết tới vì góp phần chấm dứt chế độ quân chủ và hồi sinh nền kinh tế Bangladesh.

Vấn đề hạn ngạch việc làm - nguyên nhân trực tiếp

Các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh khôi phục hạn ngạch dành riêng tới 30% việc làm của Chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập của đất nước khỏi Pakistan năm 1971. Hệ thống hạn ngạch được thiết lập bởi Thủ tướng lúc bấy giờ là Sheikh Mujibur Rahman (cha của bà Sheikh Hasina), như một cách để ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, khi hậu duệ của những cựu chiến binh đấu tranh giành tự do chỉ chiếm một phần nhỏ, việc duy trì hạn ngạch gây ra nhiều bất cập và thiếu công bằng. Sau các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 2018, hệ thống hạn ngạch nói trên đã bị bãi bỏ. Nhưng vào đầu tháng 7 vừa qua, Tòa án quyết định khôi phục lại hệ thống này, làm thổi bùng một lần nữa làn sóng biểu tình.

Trước tình trạng căng thẳng leo thang thành xung đột bạo lực giữa sinh viên và lực lượng an ninh trên khắp cả nước, Tòa án Tối cao Bangladesh đã giảm hạn ngạch xuống còn 5%. Song, giải pháp này vẫn không đủ để xoa dịu cơn thịnh nộ của người dân. Cộng đồng người Bangladesh ở Australia, Anh, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Mỹ, Qatar và tiểu bang Tây Bengal của Ấn Độ cũng tiến hành biểu tình để ủng hộ sinh viên trong nước. Các chuyên gia nhận định rằng, làn sóng bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Bangladesh phản ánh sự bất mãn đã âm ỉ từ lâu, cùng với nền kinh tế đất nước đang rơi vào tình trạng sa sút trầm trọng, tham nhũng tràn lan và mất bình đẳng trong nhiều khía cạnh…

Mầm mống bất ổn

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, vấn đề hạn ngạch chỉ là giọt nước tràn ly. Mà gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ những mầm mống bất ổn hình thành trong nhiều thập kỷ qua. 

Bangladesh đã từng đạt được những bước tiến kinh tế ấn tượng. Trong suốt các nhiệm kỳ cầm quyền, bà Hasina được những người ủng hộ ca ngợi vì đã chèo lái đất nước và giúp Bangladesh chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong đó động lực chính là ngành công nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may với lực lượng lao động chủ yếu là nữ giới, đã đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khoảng 6,6% trong thập kỷ qua. Hơn nữa, tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 11,8% vào năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2022. Và theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, vào năm 2026, đất nước này dự kiến sẽ thoát khỏi diện “quốc gia kém phát triển nhất”.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp chủ chốt này đã gặp phải nhiều khó khăn, và đến nay vẫn chưa thể vực dậy vì bối cảnh kinh tế suy thoái và lạm phát toàn cầu, khiến đơn đặt hàng dệt may của Bangladesh đã giảm hơn 30%. Thêm vào đó, tình hình địa chính trị thế giới cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nhiên liệu tăng cao. Hơn 65% lượng hàng may mặc trị giá hàng tỷ USD của quốc gia này được cung cấp sang châu Âu và Mỹ, thông qua tuyến thương mại hàng hải biển Ðỏ bị đe dọa an ninh nghiêm trọng và thường xuyên gián đoạn bởi các cuộc tấn công.

Bất chấp những thành quả, công sức trong 15 năm qua để đưa nền kinh tế Bangladesh phát triển vượt bậc, Chính phủ của bà Sheikh Hasina được cho là vẫn chưa làm đủ tốt để mang lại việc làm cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ đến với những người theo Liên đoàn Awami cầm quyền. Những chính sách không hợp lý đã khiến nền kinh tế đi xuống trong vòng 2 năm qua. Giá cả trung bình tăng vọt lên gần 2 con số (9,73%) trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 7 - mức cao nhất 12 năm qua. Điều này đã phản ánh tình trạng thu nhập thực tế liên tục bị xói mòn và mức sống của người dân ngày càng giảm sút. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 8 thanh niên từ 15 - 29 tuổi thì có 1 người thất nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp đại học phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với những người ít bằng cấp hơn.

Theo CNN, sau khi rời khỏi đất nước, bà Sheikh Hasina được cho đang chờ xác nhận từ Vương quốc Anh về yêu cầu xin tị nạn chính trị. Tuy nhiên, bà Hasina đã buộc phải gia hạn thời gian lưu trú tại New Delhi, Ấn Độ vì vẫn chưa được chính phủ Anh xác nhận.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế

Tổng thống Mohammed Shahabuddin hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nước láng giềng của Bangladesh bày tỏ lo ngại nguy cơ bạo lực leo thang và kêu gọi các bên ở Bangladesh bình tĩnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.

Ðại sứ EU tại Bangladesh Charles Whiteley nêu rõ, những người đứng đầu phái đoàn EU rất lo ngại về nhiều vụ tấn công nhằm vào các nơi thờ tự, các thành viên tôn giáo, sắc tộc thiểu số tại quốc gia Nam Á này. EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, phản đối bạo lực nhằm vào cộng đồng và bảo vệ quyền con người của tất cả công dân Bangladesh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình và hy vọng Bangladesh sẽ sớm khôi phục ổn định xã hội.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo, Washington đã ra lệnh di tản các nhân viên chính phủ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình của họ rời khỏi Bangladesh. IMF khẳng định tổ chức này sẽ duy trì cam kết đối với Bangladesh, tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực nhằm bảo đảm ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cho quốc gia Nam Á này.

Mong đợi vào chính phủ mới

Hiện tại, tình hình bất ổn tại Bangladesh đã tạm lắng xuống sau khi Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin chỉ định ông Muhammad Yunus làm người đứng đầu chính phủ lâm thời. Được biết, ông Yunus là một nhà kinh tế và chủ ngân hàng, được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì tiên phong sử dụng tín dụng vi mô để giúp đỡ những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Lãnh đạo phe biểu tình của sinh viên kỳ vọng rằng, chính phủ lâm thời có thể sẽ sớm được hoàn thiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Waker-Uz-Zaman, tình hình trong nước đang được cải thiện và dự kiến sẽ trở lại bình thường trong những ngày tới. Ông tin tưởng rằng, nhà kinh tế học Muhammad Yunus có thể đưa đất nước tiến tới một tiến trình dân chủ. Các nhà lãnh đạo quân sự hiện đang thảo luận với các nhà lãnh đạo sinh viên, đảng phái chính trị và Tổng thống Mohammed Shahabuddin để lên kế hoạch hoạt động của chính phủ lâm thời mới.

Tổng thống Shahabuddin cũng tuyên bố bổ nhiệm cảnh sát trưởng mới là ông Mohammad Mainul Islam, để thay thế ông Chowdhury Abdullah Al Mamun như một phần của cuộc cải tổ bộ máy an ninh cấp cao, bao gồm cả vị trí đứng đầu của cơ quan giám sát tình báo kỹ thuật và những chức vụ khác trong quân đội. Ông cũng đã yêu cầu lực lượng an ninh phải có biện pháp nghiêm khắc đối với bất kỳ đối tượng gây rối nào.

Đến nay, hầu hết các trường học và khuôn viên đại học ở Dhaka cũng như các thành phố lớn khác đã mở cửa trở lại, trong khi người dân đã bắt đầu sử dụng các phương tiện giao thông khác để đến nơi làm việc… Các nhà máy may mặc, trụ cột của ngành sản xuất của đất nước 170 triệu dân này, cũng đã hoạt động trở lại sau nhiều ngày buộc phải đóng cửa vì bạo lực.

Sau tất cả những diễn biến vừa qua, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu tương lai của Bangladesh sẽ ra sao, khi quốc gia này vẫn đang vật lộn với quá nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình rối ren và hỗn loạn hiện nay, việc khôi phục trật tự, ổn định chính trị và phục hồi kinh tế là vô cùng khó khăn đối với Bangladesh. Cách duy nhất để đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng hiện nay là bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và sớm chuyển đổi sang một chính phủ được bầu cử dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm.

Quốc tế

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm
Quốc tế

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm

Để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của công dân và bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, Chính phủ Australia đã trình dự thảo Luật sửa đổi về quyền riêng tư và các quy định khác năm 2024 lên Quốc hội. Do Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus thúc đẩy, dự luật này nhằm củng cố pháp luật về quyền riêng tư, đặc biệt tập trung vào việc hình sự hóa hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân một cách ác ý (doxxing).

Ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Quốc tế

Ông Trump nghi bị ám sát hụt lần hai

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump một lần nữa may mắn thoát khỏi một vụ việc, mà FBI cho rằng là một âm mưu ám sát vào hôm 15.9, khi ông đang chơi trên sân golf của mình ở West Palm Beach, Florida.

Châu Phi đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Quốc tế

Châu Phi đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Trong khi lạm phát đã phần nào được kiểm soát ở các nền kinh tế phát triển, thì châu Phi vẫn đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt cao cố hữu do giá lương thực tăng, người dân ngày càng khó kiếm việc làm. Những vấn đề này đã gây ra các làn sóng biểu tình ở Nigeria và Kenya trong những tháng gần đây.

Có nên tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp?
Nghị viện thế giới

Có nên tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp?

Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí theo luật định của người sử dụng lao động tại Trung Quốc vẫn tương đối cao. Biện pháp hạ tỷ lệ đóng góp có thể là giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng lại làm gia tăng gánh nặng đối với quỹ hưu trí.

Bao phủ toàn dân bằng hệ thống ba trụ cột
Nghị viện thế giới

Bao phủ toàn dân bằng hệ thống ba trụ cột

Trong hơn ba thập kỷ, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch cũ, nơi lương hưu được trả và bảo đảm hoàn toàn thông qua các doanh nghiệp nhà nước, sang mô hình phù hợp với thị trường. Hiện tại, Trung Quốc thúc đẩy mô hình hưu trí ba trụ cột, bao gồm hệ thống lương hưu cơ bản do nhà nước lãnh đạo; chương trình lương hưu tự nguyện của người lao động từ người sử dụng lao động; chương trình lương hưu tự nguyện của cá nhân.

Trung Quốc với mối đe dọa nhân khẩu học
Nghị viện thế giới

Trung Quốc với mối đe dọa nhân khẩu học

Lực lượng lao động suy giảm và dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo ngại về tính bền vững trong tương lai của quỹ hưu trí, một báo cáo dự đoán rằng tổng chi tiêu của quỹ sẽ bắt đầu vượt quá mức đóng góp vào năm 2028 và dự trữ sẽ giảm theo cấp số nhân sau đó, dẫn đến quỹ sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035.

Simon Dawson / No 10 Downing Street
Quốc tế

Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Củng cố "mối quan hệ đặc biệt"

Thủ tướng Anh Keir Starmer có chuyến đi chớp nhoáng tới Washington D.C., Mỹ vào ngày 13.9 để gặp Tổng thống Joe Biden và thảo luận nhiều vấn đề. Trong đó các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ xoay quanh sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine, nỗ lực bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza, giảm căng thẳng ở Trung Đông, hay thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở…

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi
Quốc tế

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi

Nhằm định hình lại lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, Chính phủ Australia mới đây đã trình dự thảo Luật Chăm sóc người cao tuổi năm 2024. Nếu được thông qua, nó sẽ thay thế luật hiện hành và thúc đẩy các cải cách toàn diện về cách cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trên toàn quốc.

Cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Kamala Harris: Ai giành ưu thế?
Quốc tế

Cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Kamala Harris: Ai giành ưu thế?

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump và của đảng Dân chủ Kamala Harris đã có màn so găng đầu tiên trên sân khấu ngày 10.9 (sáng 11.9 theo giờ Việt Nam). Trái ngược với những gì diễn ra hồi tháng 6, ứng cử viên mới của đảng Dân chủ dường như đã cho thấy khả năng làm chủ tình hình và đẩy đối phương vào những tình huống bất lợi. Sau đây là những vấn đề chính trong cuộc tranh luận:

Trung Quốc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu
Thế giới 24h

Trung Quốc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu

Quốc hội Trung Quốc đã đánh giá kế hoạch chính thức về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, đánh dấu bước đi quan trọng nhằm giảm bớt áp lực kinh tế xuất phát từ tình trạng lực lượng lao động đang giảm sút. 

Singapore thông qua luật phân bổ điện trong trường hợp khẩn cấp
Quốc tế

Singapore thông qua luật phân bổ điện trong trường hợp khẩn cấp

Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) có thể sẽ thực hiện phân bổ điện như một "biện pháp cuối cùng" trong thời kỳ khủng hoảng, ưu tiên cho các dịch vụ quan trọng. Quyết định về việc phân bổ điện được đưa ra sau khi Dự luật hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Singapore được thông qua vào hôm 9.9.