Giữ vững thương hiệu, phát triển kinh tế đêm
Từng tham gia khảo sát điểm đến du lịch vải thiều Bắc Giang, đặc biệt ấn tượng với tour hái vải đêm Lục Ngạn, CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho biết: “Tôi đã tham gia nhiều tour đêm song cảm thấy khá thú vị với tour du lịch hái vải đêm tại Lục Ngạn. Từ Hà Nội, xuất phát vào buổi sáng hay cuối chiều, sau một ngày làm việc mệt mỏi, du khách có thể nghỉ ngơi tại các homestay để chuẩn bị cho hành trình đêm độc đáo.
Sau bữa tối thưởng thức một số sản phẩm từ vải và ẩm thực đặc trưng của địa phương, khi đêm xuống, du khác được trang bị một chiếc đèn pin và một chiếc giỏ, trực tiếp vào các vườn soi và tìm vải để hái”.
Điều mà anh Tuyên và nhiều người tham gia tour thích nhất là tự tay tìm những chùm vải sai, mã đẹp, ngon nhất từ trên cây và hái xuống ăn luôn. “Thưởng thức vị ngọt, hương thơm nồng nàn của sản phẩm đồng quê khiến du khách cảm thấy thích thú”, anh Tuyên cho hay.
Giá vé vào vườn để hái vải và ăn thỏa thích là 500.000/người, đã bao gồm chi phí chỗ ở qua đêm tại nhà người dân trong hợp tác xã. Đây là tour du lịch nông thôn có giá thành tương đối rẻ, hợp với nhiều khách du lịch ưa khám phá; cũng là tour thứ hai được triển khai trong năm nay, sau tour lấy mật ong hoa vải vào tháng 3.
Ông Tuyên nhận định, tour hái vải đêm tại Lục Ngạn không chỉ gây tiếng vang cho các sản phẩm du lịch mới của miền Bắc mà đây là hình thức xúc tiến quảng bá du lịch của Bắc Giang vào các mùa. Với riêng Lục Ngạn, nơi có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi, đã hình thành, phát triển thành vùng cây ăn quả trọng điểm với nhiều sản vật nổi tiếng. Đáng nói, trong cả 4 mùa Lục Ngạn đều có hoa thơm, trái ngọt, có thể mùa vải hái vải, mùa cam, bưởi hái cam, bưởi…
Cũng theo đại diện Travelogy Việt Nam, rõ ràng “kinh tế đêm” là sản phẩm trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Một nhà hàng hay khách sạn kinh doanh ban ngày đạt doanh thu chỉ 10 triệu đồng, nhưng hoạt động ban đêm sẽ cho thu nhập tăng gần gấp đôi. Như vậy, cùng một giá trị đầu tư nhưng đã tăng gấp đôi hiệu quả.
Kết nối doanh nghiệp, tour, tuyến
Năm 2023, Lục Ngạn có tổng diện tích trên 17.000ha trồng vải chuyên canh, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000ha vải chín sớm; dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn; thời vụ thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7.
Từ đầu vụ đến nay, huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn quả tươi vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, năm nay được mùa vải nên địa phương đã chủ động xúc tiến tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc ngay từ đầu tháng hai. Đặc biệt, năm nay việc xúc tiến vải được kết hợp với hình thức du lịch trải nghiệm, trong đó có trải nghiệm tour hái vải đêm.
"Qua các chương trình xúc tiến du lịch từ đầu mùa vải, truyền thông và các doanh nghiệp lữ hành rất quan tâm, nghiên cứu và xây dựng các chuỗi liên kết, tour du lịch miệt vườn, du lịch nông nghiệp", ông Lê Ánh Dương cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận xét, cùng với cây trái thơm ngon, vùng đất Lục Ngạn còn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Năm 2022, đã có nhiều doanh nghiệp kết hợp với Lục Ngạn tổ chức thành công chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè” với sức lan tỏa và hiệu ứng tốt.
Từ thành công đó, năm nay, địa phương tổ chức chương trình “Lục Ngạn mùa vải chín”, với chủ đề “Tinh hoa trái cây Việt - Đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á”, từ ngày 13.6 đến hết tháng 7, gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn như: Tổ chức thi hái, bó, đóng vải, thi ăn vải, tạo hình bằng trái vải; tham gia các chương trình team building tại vườn vải với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhà vườn; chế biến món ăn, nước uống từ vải… Bên cạnh đó, kết hợp tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và huyện Lục Ngạn cũng xây dựng, kết nối các tour trải nghiệm vải thiều, lựa chọn các điểm du lịch, hợp tác xã, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap với diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình, có đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch. Địa phương tập trung giới thiệu các địa điểm có hợp tác xã hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, các xã có nhiều nhà vườn đẹp tiêu biểu như: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ sinh thái Giáp Sơn Trần Văn Hành cho rằng, cây vải đem lại giá trị, làm giàu cho nhiều địa phương ở huyện Lục Ngạn. Với tour đêm vừa được xây dựng, kết hợp các sản phẩm du lịch phong phú từ cây vải hy vọng sẽ giúp bà con miền núi xóa đói giảm nghèo, tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn trong những năm sau.