Xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng cán bộ, đảng viên
Theo các đại biểu, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng việc xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa Đảng gắn bó chặt chẽ và gắn liền với văn hóa dân tộc. Do đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải dựa trên cốt lõi là xây dựng văn hóa trong Đảng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11.2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực để Đảng thực sự tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam.
Xây dựng văn hóa trong Đảng thực chất là tác động vào các yếu tố cấu thành, vào những giá trị và những đặc trưng văn hóa của Đảng, mà quan trọng nhất là xây dựng người cán bộ, đảng viên để củng cố sức mạnh bên trong của Đảng. “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr.11), nếu xây dựng, phát triển văn hóa là xây dựng, phát triển con người, thì xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng cán bộ, đảng viên, PSG. TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, Khóa XI cũng nêu rõ, “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”.
Dẫn nội dung Nghị quyết nêu trên, PSG. TS Phạm Tất Thắng khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chính là củng cố sức mạnh của Đảng về tổ chức.
Nhấn mạnh, văn hóa trong Đảng là chìa khóa, là nền tảng để giữ vai trò cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho ý Đảng gắn kết với lòng dân, lòng dân gắn kết ý Đảng, văn hóa trong Đảng còn thì Đảng còn, dân tộc còn, văn hóa trong Đảng mất thì Đảng không còn trong sạch. Khẳng định điều này, PGS.TS Bùi Đình Phong lưu ý, “văn hóa của cán bộ, đảng viên là “bộ gien” của tổ chức Đảng, tạo nên tính bền vững, trong sạch của Đảng, phải đưa văn hóa vào bên trong hệ điều tiết của cơ thể Đảng, văn hóa trong Đảng phải trở thành trung tâm Cương lĩnh của Đảng”.
Gương mẫu - tiêu chí, thước đo văn hóa của mỗi cán bộ
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, không thể phủ nhận rằng Đảng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thực hành văn hóa Đảng. Nêu vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, TS. Nguyễn Thị Oanh cho rằng, hiện nay một bộ phận đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ tính chất tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng. Do đó khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số tổ chức đảng còn thiếu quyết liệt, có biểu hiện chùng xuống, chất lượng, hiệu quả thấp.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện thiếu tính đảng lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Đây là nhận định được nêu trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.
Trước thực tế trên, các đại biểu, nhà khoa học, nhà lý luận tham dự Hội thảo đề nghị cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên về xây dựng văn hóa trong Đảng. Văn hóa thẩm thấu tác động đến 5 mặt của công tác xây dựng Đảng, từ việc xác định đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, xây dựng đạo đức của Đảng - đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên đến việc xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, yếu tố văn hóa góp phần giúp cán bộ, đảng viên nhận diện được hệ giá trị chân - thiện - mỹ, thức tỉnh lương tri phân biệt được đúng, sai để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và hoàn thiện nhân cách. Coi nhẹ yếu tố văn hóa sẽ làm cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng lệch chuẩn, sai phạm ở một số tổ chức cán bộ, đảng viên.
Trong tham luận tại Hội thảo, đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng nêu rõ, văn hóa thẩm thấu tác động đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiều hay ít tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ phải thâu thái được yếu tố văn hóa. Bởi, đây là "hệ điều tiết" để nâng cao nhận thức, hành vi, năng lực, tổ chức hành động, luôn vì lợi ích của Đảng, tập thể và Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong sạch về nhân cách, nói không với tiêu cực, tham nhũng luôn lắng nghe, học hỏi, gần gũi với nhân dân. Bởi như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Gương mẫu là tiêu chí, thước đo văn hóa của người cán bộ.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Triết học, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn nêu rõ, từ chiều sâu bản chất của văn hóa Đảng đòi hỏi bản lĩnh của người cộng sản ở mỗi đảng viên trong việc chống chủ nghĩa cá nhân, “tự soi”, “tự sửa” đến đấu tranh loại bỏ giặc nội xâm, làm trong sạch đội ngũ, mà đỉnh cao là cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay.
Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ rõ, “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý cán bộ vi phạm là một nỗ lực rất lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc này giúp lấy lại niềm tin của người dân, bởi "chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân", mất niềm tin là mất tất cả. Nếu không sớm bài trừ các tệ nạn này, thì nguy cơ với chế độ là rất lớn".
Theo PSG. TS Phạm Tất Thắng, cán bộ, đảng viên là yếu tố có ý nghĩa hạt nhân, cốt lõi của văn hóa Đảng, vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là sản phẩm của văn hóa Đảng. Đảng viên cần làm gương và đi đầu trong mọi phong trào, từ công việc chuyên môn đến lối sống cá nhân.
Có thể khẳng định, văn hóa trong Đảng thể hiện ở tính tiền phong, nêu gương, phong cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và trong lối sống hàng ngày. Đảng dùng sự gương mẫu để lãnh đạo cách mạng, xem đây là một phương thức lãnh đạo văn minh nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cán bộ, đảng viên “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là những biểu hiện thực tế sinh động, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo của Đảng. Sự hoàn thiện văn hóa trong Đảng thông qua những tấm gương sáng về thực hiện các giá trị văn hóa trong Đảng có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị văn hóa của toàn xã hội, của dân tộc.