ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam):
Cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công và cộng đồng doanh nghiệp
Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng 2022 và những tháng đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã năng động, sáng tạo, điều hành kiên quyết, linh hoạt với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Qua đó, giúp đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức, từng bước đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định, đời sống Nhân dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế, xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, tình hình chung của sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp, dịch vụ thương mại gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực giảm sâu. Công nghiệp đình đốn, nhà máy thiếu đơn hàng, việc làm, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, lao động giảm. Thứ hai, thị trường bất động sản gần như đóng băng, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp có một nguyên nhân do giá vật tư nguyên liệu tăng cao, song hợp đồng ký kết không được điều chỉnh giá, nên nhiều nhà đầu tư gần như bỏ hiện trường, không tiếp tục thi công. Thứ tư, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, nhất là công nhân ở một số nơi thu nhập thấp, mất việc làm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn nêu trên nhưng trong đó có 3 nguyên nhân chính. Trước hết, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xây dựng nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư… còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây lực cản lớn trong điều hành của chính quyền địa phương. Thứ hai, biến động giá cả vật liệu xây dựng đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra không tăng bao nhiêu, nên gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khó thực hiện, trong khi ranh giới giữa đúng và sai mong manh, khó xác định khiến cán bộ không dám làm.
Do vậy, Chính phủ, các bộ ngành sớm sửa đổi, bổ sung những nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập để tháo gỡ nút thắt đang trói buộc quá trình thực hiện của cấp dưới, đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, có thể thấy, trước điều kiện sản lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường sụt giảm, doanh nghiệp lắp ráp ô tô đã loay hoay tìm nhiều giải pháp thu hút người mua. Nhưng nếu một mình doanh nghiệp hành động sẽ khó, Chính phủ nên xem xét thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước. Ví dụ như, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT) với doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước hết năm 2023, giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước thêm một thời gian để doanh nghiệp ngành này vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay, tiếp tục phát triển.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh):
Nên áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 1 năm đến 1 năm rưỡi
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rất thẳng thắn nhiều vấn đề, giúp các đại biểu có được bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, có nhiều điểm nghẽn, điểm vướng dẫn đến kết quả chưa được như mong đợi.
Thực tế ở địa phương, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri và khảo sát ở các doanh nghiệp ở địa phương cho thấy, mức tiêu thụ hàng hóa giảm rất nhiều, tình trạng người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm ở khu công nghiệp, hay có những ngành chưa bao giờ xảy ra tình trạng lao động mất việc làm, giảm giờ làm, thậm chí là những ngành mà công nhân có thu nhập cao, đơn cử như ngành xây dựng thì trong những tháng vừa qua cũng gần như bị tắc nghẽn. Việc công nhân ở các khu công nghiệp bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm sẽ còn dẫn đến những hệ luỵ về xã hội. Chẳng hạn, ở các vùng có nhiều khu công nghiệp, trước đây công nhân bình thường thu nhập mỗi tháng khoảng 8 - 10 triệu, bây giờ số giờ làm việc của công nhân giảm chỉ còn khoảng 6-7 giờ/ngày. Trong khi đó, các thiết chế về văn hoá, khu vui chơi cho công nhân của chúng ta còn thiếu, công nhân dễ sa đà vào những việc thiếu lành mạnh, thậm chí còn có tình trạng công nhân kí nợ bằng sổ bảo hiểm xã hội, rồi bán sổ bảo hiểm… Đó là những vấn đề rất đáng lo ngại.
Tôi rất đồng tình với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đề ra để triển khai thực hiện trong những tháng tiếp theo của năm nay. Tuy nhiên, các giải pháp còn mang tính chất “hô khẩu hiệu”, chưa cụ thể, chưa rõ.
Trong các giải pháp đề xuất, tôi rất tán thành giảm thuế VAT 2%. Đây là giải pháp rất cần thiết và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội. Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ giải pháp này do doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành hàng hóa, dịch vụ, giúp kích cầu tiêu dùng tốt hơn, đẩy mạnh luân chuyển hàng hoá và sản xuất, qua đó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhà nước. Có một số ý kiến cho rằng, mức giảm 2% thuế VAT (xuống còn 8%) là khiêm tốn, nhưng theo tôi thì cũng cần phải cân đối nguồn thu. Chúng ta thu nhiều, thu chính cũng là từ nguồn này. Nếu giảm nhiều quá thì cũng rất nguy hiểm cho nguồn thu của cả nước.
Tuy nhiên, điều mà tôi còn băn khoăn liên quan đến đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ là thời hạn áp dụng chính sách này. Theo đề xuất của Chính phủ, chính sách giảm thuế VAT áp dụng trong thời gian từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12.2023, tức 6 tháng. Thời hạn như thế này là quá ít, với 2% thuế VAT thì không thể kích cầu được. Tôi đề nghị áp dụng chính sách này trong ít nhất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để thấy chính sách phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hiện nay còn nhiều vướng mắc về thể chế, ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu.
ĐBQH Hà Thị Nga (Đồng Tháp):
Cần giải pháp hỗ trợ, hạn chế tình trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường
Trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78,9 nghìn doanh nghiệp (giảm 2%) so với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25%. Xu hướng này dự báo có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc lao động mất việc làm, mất thu nhập sẽ ngày càng tăng cao. Đáng quan tâm nhất là các ngành giảm việc lại tập trung ở lĩnh vực da giày, may mặc… nên đặc thù này dẫn đến tỷ lệ lao động là nữ mất việc rất cao, có những nơi tỷ lệ lao động nữ mất việc có độ tuổi trên 40 tuổi chiếm hơn 50%.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, các địa phương và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để bảo đảm quyền lợi cho người lao động song cũng chỉ là những giải pháp tình thế và còn rất nan giải trong thời gian tới, cơ hội việc làm cho lao động nữ, nhất là nữ trên 40 tuổi hết sức khó khăn và có nguy cơ phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Do đó, tôi đề nghị, Chính phủ cần tích cực rà soát để có đánh giá chính xác số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở các loại hình doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào… là chủ yếu để có giải pháp hỗ trợ, hạn chế tình trạng này. Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có chương trình dành riêng cho đối tượng là lao động nữ để chuyển đổi nghề sau khi bị mất việc. Triển khai các chương trình dạy nghề phù hợp với các cấp độ đào tạo cho lao động nữ; chú trọng việc cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới cho các nghề truyền thống, nghề thu hút nhiều lao động nữ; tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm chủ động cho phụ nữ; đặc biệt phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ độ tuổi trung niên. Bên cạnh đó, cùng với việc bảo đảm thực hiện tốt trợ cấp mất việc làm, cần tập trung hỗ trợ kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc, có các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp, giúp họ có việc làm lâu dài.