Qua giám sát bước đầu cho thấy, việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới các ĐVSNCL ở một số địa phương đã đạt được một số kết quả khá tích cực. Đơn cử, tại TP. Hải Phòng, số lượng ĐVSNCL trên địa bàn thành phố năm 2023 so với năm 2015 giảm 193 đơn vị, đạt tỷ lệ 19,1%. Từ năm 2015 đến năm 2023 đã thực hiện giải thể 21 đơn vị hoạt động không hiệu quả. Về kết quả quản lý biên chế và tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021, TP. Hải Phòng đã giảm 4.445 người so với số người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015. Tính đến hết ngày 31.12.2023, TP. Hải Phòng đã thực hiện việc chuyển tự chủ cho 561/815 đơn vị. Tuy vậy, các ĐVSNCL của TP. Hải Phòng chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nên quá trình thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi cơ chế tài chính gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, là tỉnh có tới 2.181 ĐVSNCL - lớn thứ 2 trong cả nước (chỉ sau Hà Nội), Thanh Hóa đã tổ chức sáp nhập các ĐVSNCL có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, quy mô nhỏ để giảm đầu mối nhưng quá trình thực hiện Thanh Hóa cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, khuôn khổ pháp lý, các chính sách về ĐVSNCL chưa đồng bộ; văn bản hướng dẫn của một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm triển khai, sửa đổi ảnh hưởng đến công tác đổi mới quản lý, nâng cao mức độ tự chủ của các ĐVSNCL; thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể các ĐVSNCL được quy định không thống nhất trong các văn bản pháp luật, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Hay như TP. Hồ Chí Minh, số lượng ĐVSNCL sau khi sắp xếp lại đã giảm từ 1.911 đơn vị xuống còn 1.813 đơn vị (năm 2021). Thống kê đến 31.12.2023, thành phố còn 1.781 đơn vị. Cũng như nhiều địa phương khác, TP. Hồ Chí Minh cũng gặp một số khó khăn khi sắp xếp các ĐVSNCL do một số đơn vị còn lúng túng khi xác định phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực chậm ban hành, gây khó khăn, lúng túng cho công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện…
Dù chưa có được bức tranh toàn cảnh, nhưng qua giám sát bước đầu cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL ở các địa phương, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn không ít thách thức. Do đó, quá trình giám sát cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp các ĐVSNCL là gì? Việc tinh giản biên chế tại sao có nơi thực hiện đáp ứng được yêu cầu, có địa phương lại gặp khó? Liệu có phải do người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt hay không? Tinh giản biên chế trên cơ sở đánh giá hiệu quả công việc hay chỉ đơn thuần là giảm theo số biên chế nghỉ hưu? Từ nhận diện rõ những khó khăn, vậy đâu là giải pháp căn cơ để đạt được yêu cầu về sắp xếp các ĐVSNCL gắn với tinh giản biên chế trong thời gian tới? Bởi mục tiêu cuối cùng của sắp xếp không phải là thu gọn được bao nhiêu đơn vị một cách cơ học, mà việc sắp xếp phải bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL để phục vụ người dân và xã hội tốt hơn.
Giám sát không phải là tìm ra “lỗi này, lỗi kia”. Giám sát là để đánh giá kết quả đã đạt được, những cách làm hay để nhân rộng, thấy được hạn chế, khó khăn, vướng mắc để khắc phục. Qua đó, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về ĐVSNCL. Và điều quan trọng là kiến nghị được những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của ĐVSNC. Bởi như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nhấn mạnh ngay Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát chuyên đề này, đó là: “giám sát nhằm phát hiện cái hay để phát huy, nhân rộng và chỉ ra tồn tại, hạn chế, chưa làm được, tìm giải pháp khắc phục”.
Đây cũng chính là những gì cử tri, Nhân dân chờ đợi ở chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.