Vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này.
Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha! Cứ đến quý III hàng năm, vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Tại sao “biết rồi” mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương? Đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít?
Theo báo cáo, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30.9.2020 là 269.207 tỷ đồng, đạt 50,27% so với kế hoạch và 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm. Trong đó có 8 bộ, 23 địa phương ước giải ngân trên 60%. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là khối địa phương. Tuy vậy, thực tế tỷ lệ giải ngân ở đây là so với kế hoạch được điều chỉnh cắt giảm chứ không phải so với kế hoạch được giao.
Nguyên nhân chính của tình trạng này được nhiều báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cho rằng do tác động của Covid-19 và bão lũ ở miền Trung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác cần phải thẳng thắn thừa nhận để có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.
Ở đây, nguyên nhân chủ yếu là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế. Nhiều bộ, ngành, địa phương “cố” lập kế hoạch, giành bằng được nguồn vốn cho mình mà không chú trọng đến tính khả thi của dự án, dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được. Điển hình là dự án đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư tháng 10.2018, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020 nhưng hiện tại việc đo, vẽ, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Ngay cả 2 hạng mục cần làm trước là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - đê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công. Đáng lo ngại nhất là việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA, như các tuyến đường sắt đô thị…
Nhiều chủ đầu tư cho rằng, khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu hiện nay rất khó khăn và không loại trừ có cả những sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều dự án kéo dài khâu này đến vài tháng. Một dự án đầu tư công từ khi giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện triển khai và hoàn thành thường phải trên 10 bước. Mỗi bước như vậy rất nhiều thời gian và tốn kém, có cả những chi phí không chính thức. Để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, một số chủ đầu tư phải khoán cho doanh nghiệp thi công các công trình đứng ra lo liệu. Cũng vì cố gắng giành cho bằng được nguồn vốn, nhất là vốn ODA, nên về sau không triển khai được trong thực tế vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tài trợ. Một số dự án cố triển khai trong khi thủ tục chưa hoàn chỉnh sát với thực tế nên khi hoàn thành không thể quyết toán được, tất nhiên không thể bàn giao, nghiệm thu công trình, mà dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là minh chứng hiện hữu.
Ngoài các yếu tố trên, khó khăn nhất tại các địa phương là công tác giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập, thẩm định, phê duyệt đơn giá đền bù. Nhiều dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất, song khi nguồn thu không đạt thì không thể giải ngân.
Từ thực tế đó, để nguồn vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi giải ngân chậm do yếu tố chủ quan.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Về phía các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai, đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và chậm giải ngân đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.