Theo quy chế, hai bên sẵn sàng chia sẻ thông tin, tài liệu, dữ liệu của mỗi bên về các khía cạnh sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, thị trường lâm sản… theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết với các bên liên quan khác mà các bên đã ký trước đó.
Về nội dung phối hợp, trong chế biến và thương mại lâm sản, hai bên cùng phối hợp xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, đề án, dự án; phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Trong quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hai bên xây dựng và phát triển tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FM) và Tiêu chuẩn quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) Việt Nam; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững như vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Phát biểu tại Lễ ký quy chế phối hợp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của buổi lễ ký kết này với hệ sinh thái ngành kinh tế lâm nghiệp của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.
Bộ trưởng cho biết, trong năm 2020, độ che phủ rừng sẽ đạt 42%,vượt kế hoạch đề ra, bước đầu đáp ứng cho sự phát triển bền vững; trong khi thế giới độ che phủ rừng mới chỉ đạt 29%. Cùng với đó là xuất khẩu của ngành lâm nghiệp sẽ đạt trên 12 tỷ USD, đứng thứ hai châu Á. Ngành lâm nghiệp hiện nay đã chủ động được 80% lượng nguyên liệu trong nước, cùng với đó là hệ thống với trên 5.600 doanh nghiệp gỗ và đồ gỗ với hàng triệu lao động có việc làm, đủ sức cho ngành công nghiệp chế biến sâu. Thị trường đồ gỗ trên thế giới tiềm năng vẫn còn rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu đồ gỗ bình thường mà cần hướng đến xuất khẩu cả nét văn hóa Việt Nam để gia tăng giá trị sản phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng, sự phối hợp, bổ trợ giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Vifores sẽ là nền tảng, là cơ sở giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, phối hợp chặt chẽ để 3 khu vực Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để từng bước giúp Việt Nam đạt được kết quả thực sự “rừng là vàng”, nhằm không chỉ kinh tế phát triển mà còn đảm bảo sự bền vững quốc gia, bền vững đất nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số. Ngành ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu của chuỗi cung và một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Sự năng động của ngành còn thể hiện qua khía cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu ngành càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, về các khía cạnh như tính hợp pháp của gỗ, các khía cạnh về môi trường, xã hội, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia. Ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.