Khởi động từ năm nay, Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Phan Văn Chinh chia sẻ, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ.
Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại. Trong đó, đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng. Tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững...
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường trong nước ngày càng hội nhập và có độ mở lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu. Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ đem lại những cơ hội phát triển cho ngành bán lẻ của Việt Nam, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao, tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư vào ngành bán lẻ, trong đó các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chủ yếu hướng vào khai thác thị trường thông qua các phương thức bán lẻ hiện đại, do đó thị trường bán lẻ Việt Nam có cơ hội bắt kịp xu hướng thị trường thế giới và phát triển thêm năng động.
Tại diễn đàn, đã diễn ra hai phiên thảo luận chính, tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong phát triển hệ thống bán lẻ, bao gồm: “Chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam” và “Phát triển bền vững đối với chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại”.
Đề xuất về chiến lược và giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến chất lượng và trách nhiệm xã hội đối với hàng hóa tiêu dùng; thiết lập hệ thống báo cáo định kỳ để đánh giá mức độ tuân thủ và tiến bộ của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn. Xây dựng quy định xử phạt rõ ràng, minh bạch đối với hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội.
Đề xuất giải pháp nhằm phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế, Wincommerce đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, logistics tại vùng, địa phương. Chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý thương mại theo cam kết quốc tế; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh bền vững và xanh hóa; kích cầu gia tăng tiêu dùng cuối cùng trong nước...