Đây là thông tin được nêu tại Lễ công bố Báo cáo Phát triển thương mại điện tử với bảo vệ môi trường, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức chiều 10.12.
Phát biểu tại lễ công bố, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, cho biết, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong trong thời đại công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nhanh hàng đầu khu vực ASEAN, nằm trong nhóm cao nhất thế giới, điều này cho thấy tiềm năng to lớn mà lĩnh vực này đem lại, góp phần tích cực vào thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đáng ghi nhận, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về môi trường. “Tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử kéo theo sự gia tăng sử dụng bao bì nhựa, rác thải từ các đơn hàng, và khí thải từ hoạt động vận chuyển hàng hóa. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết là làm thế nào để phát triển thương mại điện tử một cách bền vững, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường”, TS. Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Theo VECOM, quy mô của thương mại điện tử năm 2024 đạt khoảng 31 tỷ USD, trong đó bán lẻ hàng hoá trực tuyến trên 20 tỷ USD. Năm 2025, VECOM dự đoán quy mô thương mại điện tử sẽ đạt gần 40 tỷ USD và tiến tới quy mô khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030.
Đáng chú ý, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua đã gây thêm tác động tiêu cực tới môi trường.
Dẫn khảo sát của WWF Việt Nam, VECOM cho biết, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Tới năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử nước ta đạt gần 100 tỷ USD, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hoá thì khi đó lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Tháng 11.2024, VECOM tiến hành khảo sát hành vi bảo vệ môi trường của 4.122 người tiêu dùng trực tuyến, tập trung vào thế hệ Z (Gen Z, sinh ra trong khoảng 1997 - 2011 và có điều kiện tiếp cận Internet tương đối dễ dàng từ nhỏ). Kết quả cho thấy, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử hay website bán hàng. Trong đó, lý do lớn nhất để khách hàng không chọn giải pháp thân thiện với môi trường là mặc dù họ biết giải pháp đó tác động xấu tới môi trường, nhưng vẫn ưu tiên tới lợi ích của giải pháp (32%); tiếp đó là lý do khách hàng phải trả thêm tiền (31%).
Cũng theo kết quả khảo sát, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử; 71% đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.
Tại lễ công bố, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ những tác động chính của thương mại điện tử tới môi trường cũng như các chính sách và giải pháp phát triển thương mại điện tử xanh.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng Tư vấn VECOM khuyến nghị, để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường, trước hết, Nhà nước cần triển khai hoạt động thống kê định lượng về tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường.
Tiếp đến, cần ban hành chính sách và pháp luật về thương mại điện tử và bưu chính lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền và bảo vệ môi trường tới đông đảo doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng trực tuyến. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy thương mại điện tử xanh; đẩy mạnh nghiên cứu về thương mại điện tử xanh.