Doanh thu giảm mạnh, lãi gộp đi lùi
20 năm trước, đối với bất kỳ game thủ Việt nào VinaGame luôn là cái tên đứng top đầu, những tựa game online như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế hay Boom Online trong quá khứ đã từng khiến không ít những thế hệ game thủ Việt ngày đêm “cày cuốc”.
Cho đến giai đoạn 10 năm trở lại đây, cái tên VNG đã dần lùi vào dĩ vãng để nhường lại “ngôi vương” phát hành game cho Garena Việt Nam. Bằng việc nắm bắt xu thế thể thao điện tử (eSport), từ 2014 đến nay, Garena liên tục có những bước phát triển như “vũ bão” với việc cho ra đời hàng loạt tựa game MOBA như Liên Minh Huyền Thoại; Fifa online; Free Fire; Liên quân Mobile…
Tuy nhiên, dường như Garena Việt Nam cũng vừa trải qua giai đoạn “hoàng kim” trong chu kỳ kinh doanh của mình và đang có dấu hiệu “xuống sức” để đi vào chu kỳ ổn định. Bởi lẽ, dữ liệu tài chính mới đây nhất cho thấy, năm 2023, doanh thu Garena Việt Nam đạt hơn 5.300 tỷ đồng, sụt giảm 1.600 tỷ đồng so với năm 2022. Trừ đi giá vốn bỏ ra, Garena báo lãi gộp hơn 500 tỷ đồng, đây là mức lãi thấp nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm 2023, trước nguồn thu “cốt lõi” sụt giảm nghiêm trọng, Garena Việt Nam bất ngờ có doanh thu tài chính tăng vọt hơn 200% đem về cho doanh nghiệp 125 tỷ đồng. Cùng với việc “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi phí bán hàng, Garena vẫn báo lãi hơn 200 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất sau hàng chục năm hoạt động của Garena Việt Nam.
Nhìn vào lịch sử kinh doanh của Garena Việt Nam có thể thấy doanh nghiệp phát hành game này dường như đã vừa đi qua gần một thập kỷ phát triển đỉnh cao trong chu kỳ kinh doanh.
Cụ thể, năm 2014, là thời điểm đánh dấu doanh thu của Garena vượt mốc 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2013. Những năm sau đó, doanh thu của nhà phát hành game online này tiếp tục phát triển.
Đến năm 2019, doanh thu của Garena Việt Nam đã vọt lên mốc hơn 3.000 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, doanh thu của Garena không có dấu hiệu chùn bước và gần chạm đến 7.000 tỷ đồng trong năm 2022 tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng so với năm 2020.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, các nhà phát hành game nếu không đưa ra được những tựa game mới hoặc những sự kiện mới mẻ trong game thì sau một vài năm sẽ hao hụt lượng khách hàng do người chơi nảy sinh tâm lý chán nản không muốn chơi mãi một tựa game nhàm chán.
Những năm gần đây, tựa game gây bão nhất của Garena có thể kể đến là liên quân Mobile và Free Fire. Tuy nhiên, nhiều lần ra mắt trang phục bán trong Liên Quân Mobile để thu tiền từ người chơi Garena đã phải nhận nhiều ý kiến từ Game thủ cho rằng nhà phát hành này đã quá “ngáo giá”.
Đơn cử như trường hợp trang phục “Cresht - Bách Tướng Lão Tam” được Garena thông báo với giá gốc “999 quân huy” (tương đương tiền mặt khoảng 500.000 đồng); nếu mua trong thời gian khuyến mại sẽ là “799 đến 899 quân huy” (tương đương tiền mặt khoảng 400.000 đồng đến 450.000 đồng). Sở dĩ game thủ phản ứng vì đây là vị tướng không thuộc dạng “Hot Pick” thậm chí là vắng bóng trên sàn đấu nhưng trang phục lại bán với giá quá cao là không hợp lý.
Thậm chí, có nhiều trang phục khác trong game liên quân Mobile khi người chơi muốn sở hữu sớm phải mất tới hàng triệu đồng. Đây cũng chính là nguồn thu cốt lõi mà Garena thu được khi phát hành game. Nói một cách dễ hiểu, cách kiếm tiền của nhà phát hành game chính là làm sao để người chơi quyết định “móc ví” để mua các vật phẩm ảo tạo ra trong game.
Tuy nhiên, nhìn vào nguồn thu sụt giảm mạnh mẽ trong năm 2023 có thể thấy rõ lượng người chơi quyết định xuống tiền mua vật phẩm trong game có lẽ đã giảm đi nhiều so với giai đoạn Liên quân Mobile mới ra mắt.
Sea Limited đứng sau doanh thu khổng lồ của Garena Việt Nam
Theo tìm hiểu, rất ít game thủ biết đếnSea Limited. Thế nhưng, Sea Limited hay Garena thực chất là một. Bởi lẽ, tiền thân của Sea Limited chính là Garena và từ ngày 8.4.2017, Garena Interactive Holding Limited đã chính thức đổi tên thành Sea Limited.
Sea Limited có nhà sáng lập là người Trung Quốc nhưng người này đã chọn Singapore làm nơi khởi nghiệp xây dựng đế chế của riêng mình.
Garena hướng đến thị trường gần 600 triệu dân, gọi là GSEA (Greater Southeast Asia) – bao gồm 7 nước và vùng lãnh thổ: Indonesia, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore.
Khởi nghiệp với các sản phẩm và ứng dụng game online, nhưng Sea giờ đây đã phát triển mạnh mẽ mảng thương mại điện tử (e-commerce) được nhiều người biết đến ở việt nam với cái tên sàn thương mại điện tử Shopee.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, với 3 trụ cột Garena, Shopee, AirPay, Sea đang là start-up đứng trong “top đầu” ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, đế chế của Sea đã vươn tới bằng cách hình thành pháp nhân Công ty cổ phần Tin học Hòa Bình (Hòa Bình) vào ngày 10.5.2011 sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam. Danh sách cổ đông sáng lập của Garena gồm Lê Quang Trà; Mai Thanh Bình và Mai Thị Hoà.
Thời điểm mới thành lập, bà Hòa (sở hữu 99%) và ông Bình (sở hữu 0,5%), 0,5% còn lại thuộc sở hữu của ông Lê Quang Trà. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam là ông Phùng Đắc Quang.
Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 20.04.2017, CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam không còn tính thuần Việt trong cơ cấu sở hữu. Thay vào đó xuất hiện cổ đông ngoại đến từ Singapore.
Cụ thể, trong cơ cấu sở hữu của CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam đã xuất hiện cổ đông ngoại Garena Vietnam Private Limited nắm 30% vốn điều lệ.
Dữ liệu doanh nghiệp cho biết, Garena Vietnam Private Limited chính là công ty con tại Singapore do Sea Limited sáng lập và sở hữu 100% vốn điều lệ. Hay nói cách khác, Sea Limited đã trực tiếp sở hữu 30% cổ phần của Garena Việt Nam. 70% còn lại vẫn được đứng tên sở hữu bởi các các cá nhân, tổ chức Việt Nam.
Mặt khác, cùng với sự xuất hiện của Sea, bộ đôi cổ đông họ Mai – Mai Thị Hòa và Mai Thanh Bình - lại bất ngờ rút lui và chấm dứt hoàn toàn quan hệ sở hữu đối với CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam. Doanh nhân họ Mai duy nhất còn trụ lại là ông Mai Minh Huy hiện đang sở hữu gần 70% cổ phần.
Thiếu vắng Game bản sắc Việt
Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp game Việt Nam đã phát triển vượt bậc, doanh thu vượt 500 triệu USD, đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Con số khẳng định sự rộng mở của thị trường, cũng như cho thấy đường đua phát triển game đã khởi động mạnh mẽ.
Việc phát triển những tựa game với nội dung thuần Việt luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng game thủ. Đây không chỉ là cách để quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia mà còn là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của các studio game trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, những tựa game về văn hóa Việt vẫn quá ít ỏi.
Câu chuyện thị trường game Việt cũng tương tự như hoạt động kinh doanh của Garena Việt Nam. Dù doanh thu tăng trưởng thần tốc nhưng những giá trị văn hoá truyền thống chưa được thể hiện nhiều.
Hầu hết các game do Garena phát hành tại Việt Nam đều có cốt truyện từ nước ngoài hoặc mô phỏng tương tự theo lối chơi từ các game từ nước ngoài. Mặc dù có tạo ra các sự kiện trong game gắn với các kỳ lễ quan trọng của Việt Nam hoặc các trang phục mang bản sắc của Việt Nam cho các nhân vật trong game nhưng chưa thực sự quảng bá lan toả được những giá trị văn hoá Việt như kỳ vọng.
Theo một thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam. Cứ mỗi 25 game đăng tải thì có một game đến từ studio Việt. Đây là tiềm năng, cơ hội lớn để quảng bá văn hóa Việt. Nhưng trên cuộc đua đường dài này, rất cần có sự định hướng, đầu tư, hỗ trợ quảng bá từ Chính phủ để cộng đồng game thủ thế giới biết đến nhiều hơn những giá trị văn hóa Việt.