Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hóa giá trị và bảo vệ quyền lợi” do Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) và Hiệp hội nhãn hiệu Quốc tế (INTA) tổ chức sáng 28.11.
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam Phạm Nghiêm Xuân Bắc nêu rõ, hiện nay thương mại điện tử trực tuyến và không biên giới dần chiếm ưu thế. Việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm cả dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở cả các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cũng dần thay đổi về cả nội dung và cách thức tiến hành.
Điều này khiến nhãn hiệu, với tư cách là một loại tài sản sở hữu trí tuệ quý giá, dường như dễ bị xâm phạm hơn, trong khi nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị nhãn hiệu lại có thể bị bỏ qua.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Lương Minh Huân, doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Ngày càng nhiều các thương hiệu Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như Vinfast, Vinamilk, FPT, Viettel, Trung Nguyên…
Số lượng thương hiệu quốc gia được tăng lên đáng kể: từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp đạt có sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2024, điều đó đã cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance đánh giá, giá trị thương hiệu Việt Nam năm nay xếp thứ 32 trong số 193 quốc gia được đánh giá và đạt 507 tỷ USD, tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm ngoái. Việt Nam không chỉ lọt top 100 nước có thương hiệu mạnh, mà còn là nước có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022.
Mặc dù các thương hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, chúng ta vẫn liên tục phải chứng kiến những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị nhãn hiệu và thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp – ông Huân nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia sở hữu trí tuệ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã chia sẻ và trao đổi những kiến thức và công cụ cần thiết để quản lý, bảo vệ tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu, thương hiệu nói riêng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực quốc tế.