Gần 13% hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị
Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến 31.12.2024, cả nước có 33.557 HTX, tăng 1.454 HTX so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 22.415 HTX nông nghiệp (chiếm 66,8% tổng số HTX, tăng 1.062 HTX so với năm 2023), còn lại 11.142 HTX phi nông nghiệp. Các HTX thu hút hơn 6,139 triệu thành viên, tăng hơn 108.000 thành viên so với năm 2023. Đến cuối năm 2024, cả nước có 1,65 triệu lao động làm việc trong các HTX, tăng 1,02% so với năm 2023. Tổng vốn điều lệ của các HTX là hơn 68.000 tỷ đồng, tăng 6,94%; tổng tài sản 178.941 tỷ đồng, tăng 0,18%; tổng doanh thu đạt 95.273 tỷ đồng, bình quân 2,839 tỷ đồng/HTX.
Đáng chú ý, cả nước có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX), với hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi. Trong số trên 5.300 chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, các HTX chiếm 38,1%. Tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX đa dạng ngành nghề, đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng phần lớn dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên, chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực và năng lực quản trị.
Cũng tính đến hết năm nay, ước cả nước có 141 liên hiệp HTX (tăng 11 liên hiệp HTX so với năm 2023); 72.183 tổ hợp tác (giảm 1.893 tổ hợp tác so với năm 2023). Mặc dù hầu hết các tổ hợp tác có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý và điều hành còn giản đơn, bó hẹp trong phạm vi nhất định, nhưng sự hợp tác trong các thành viên tổ rất linh hoạt, gọn nhẹ. Hoạt động của các tổ hợp tác đã thật sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, giúp các hộ thành viên một phần về nhu cầu vốn và kỹ thuật.
Nhìn chung, kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đã tiếp tục có sự phát triển. Tuy nhiên, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, phần lớn các HTX có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất còn lạc hậu và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực trong độ tuổi lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng chuyển sang lĩnh vực dịch vụ khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trẻ trong sản xuất ở các tổ hợp tác, HTX và liên hiệp HTX; chưa kể mức thu nhập khi tham gia HTX còn thấp, khó thu hút lao động.
Điều đáng lo ngại là nhiều tổ hợp tác, HTX và liên hiệp HTX chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống. Nhiều HTX chưa quen với việc áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Tín dụng đối với HTX còn thấp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số, HTX rất cần nguồn lực tài chính. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số vẫn gặp khó khăn, chưa có nhiều HTX, tổ hợp tác nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách. Nguyên nhân bởi một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, chưa bố trí đủ nguồn lực.
Đơn giản hóa thủ tục vay vốn
Năm 2025 được xác định là năm then chốt để triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX. Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về mô hình HTX kiểu mới, dẫn đến sự e ngại khi tham gia. Vì vậy, cần đổi mới tư duy, nhận thức, qua đó thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia kinh tế tập thể, HTX, tạo động lực để kinh tế tập thể bắt kịp và vươn lên cùng với các thành phần kinh tế khác. Về phía chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các mô hình HTX thành công, tổ chức các phong trào thi đua để tạo động lực cho các HTX khác học tập và nhân rộng.
Song song, cần tiếp tục điều chỉnh khung pháp lý liên quan đến HTX, tổ hợp tác, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai và các chương trình ưu đãi. Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách về vốn vay ưu đãi, xúc tiến thương mại, phải bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương. Việc giảm yêu cầu tài sản thế chấp hoặc xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng sẽ giúp các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn vay, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị.
Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực từ 1.7.2024. Trưởng ban Chính sách và phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam Phạm Thị Tố Oanh cho rằng, Luật với nhiều điểm mới, như: có chương riêng cho đối tượng là tổ hợp tác, quy định thành viên đăng ký nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình trong HTX, quy định thành viên chính thức và thành viên liên kết, bổ sung quy định về quỹ chung không chia… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển. Hiện, đã có 2 nghị định và 2 thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, vẫn còn HTX chưa nắm rõ luật để triển khai.
Bà Oanh đề nghị, tới đây, cần tiếp tục tuyên truyền về Luật Hợp tác xã. Sớm có hướng dẫn chuyên sâu hơn cho các HTX được tiếp cận 8 nhóm chính sách về phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí, lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường... Bên cạnh đó, cần hướng dẫn HTX để liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết theo cấp vùng, miền, quốc gia để xây dựng thương hiệu sản phẩm tương ứng.