Nhiều tín hiệu khởi sắc
Tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ, sản xuất công nghiệp đã và đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp nước ta tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong tháng 10 với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may và da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, về ngành công nghiệp da giày, từ cuối năm 2023 đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Các đơn hàng đã phục hồi và kết quả sản xuất kinh doanh cho thấy rất rõ ràng.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng trưởng 12,5%. Riêng mặt hàng giày dép đạt 16,4 tỷ USD, trong khi túi xách đạt 3 tỷ USD. Dự kiến kế hoạch năm 2024, xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD, đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành da giày.
Ông Cao Văn Hùng, Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam chia sẻ, năm qua, doanh nghiệp đã cảm nhận rất rõ sự suy thoái trong đơn hàng. Song, từ đầu năm nay, đã có nhiều tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán hàng đã tăng lên 178% và theo dự đoán, con số này có thể đạt từ 230% - 250% vào cuối năm nay.
Doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, song, việc phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng cuối năm cũng đối mặt với không ít thách thức. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU và Mỹ vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, một trong những thách thức đang đặt ra hiện nay là quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác về tiêu chuẩn chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng.
Theo ông Cao Văn Hùng, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, là một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa, công ty cũng gặp không ít khó khăn; đặc biệt là về nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù hiện tại đã có đội ngũ nhân sự khá tốt nhưng để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường cũng như khách hàng, doanh nghiệp cần tăng cường đội ngũ nhân lực, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất.
Khó khăn thứ hai là khi nhận được yêu cầu gia công từ các đối tác nước ngoài, họ đặt ra tiêu chuẩn chất lượng cao. Do đó, doanh nghiệp cần hợp tác với một số doanh nghiệp khác trong nước để thực hiện đơn hàng và cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn vị có cùng tư duy xuất khẩu và mong muốn sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Thực tế cho thấy, không nhiều đơn vị muốn làm điều đó; có thể rất muốn, nhưng năng lực hiện tại còn hạn chế.
Ông Cao Mạnh Hùng nhấn mạnh, điều này dẫn đến khó khăn khi muốn kết hợp với các doanh nghiệp khác. Trong khi trao đổi trực tiếp với khách hàng, họ rất muốn đặt hàng tại Việt Nam, rõ ràng đây là một cơ hội, nhưng lại bị lỡ mất. Nguyên nhân chính là tiêu chuẩn chất lượng hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chỉ ra thực tế, việc thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của ngành và làm giảm khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thiếu kết nối này có thể dẫn đến giảm khả năng sản xuất, giảm khả năng hợp tác và chia sẻ nguồn lực cũng như công nghệ.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thiếu liên kết khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chia sẻ nguồn lực, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh và khó mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không có đủ tiềm lực để tự đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm hay đổi mới công nghệ.
Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp mất đi cơ hội tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng gây ra sự không đồng nhất trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dẫn tới khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là gây mất niềm tin từ các đối tác quốc tế, do họ khó đạt được sự đồng nhất về mặt tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà sản xuất nhỏ.
Bởi vậy, rất khó để tạo ra một nguồn cung ứng nội địa mạnh mẽ, buộc họ phải nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện từ nước ngoài, dẫn đến khả năng tự cung ứng kém, giảm tính chủ động và tăng chi phí sản xuất.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã phát triển mạnh mẽ các cụm, khu liên kết ngành, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ. Việc phát triển các cụm liên kết ngành này đã cho thấy hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu công nghiệp khác, nhờ việc tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong cùng một lĩnh vực. Sự hợp tác này còn giúp giảm thiểu chi phí và cho phép doanh nghiệp nhanh chóng chia sẻ kiến thức và công nghệ mới với nhau.
Theo ông Chu Việt Cường, các hiệp hội ngành hàng cần đóng vai trò là cầu nối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về khả năng sản xuất và nhu cầu của nhau. Về phía doanh nghiệp, cần thường xuyên tham gia các khóa đào tạo hoặc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo do Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp và Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC tổ chức, giúp nâng cao tay nghề cho kỹ thuật viên và trình độ quản lý sản xuất cho CEO.