Nhận định tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết là một việc cũng đã lâu, chúng ta đã cố gắng và có nhiều các giải pháp, tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được triệt để, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2023, theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện còn nợ 13 văn bản đối với các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành.
Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, theo nghiên cứu trong báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo tổng hợp thẩm tra của Tổng Thư ký Quốc hội thì ngoài 13 văn bản (chiếm 10%), các văn bản quy định chi tiết đến thời điểm này chưa được ban hành, riêng trong số các văn bản đã ban hành thì có trên 60%, mà cụ thể là 62,08%, chậm ban hành so với thời điểm có hiệu lực của các Luật, Nghị quyết.
Đại biểu nhấn mạnh: Nếu quy đổi thì cứ 100 Luật, Nghị quyết của Quốc hội thì có trên 65 Luật và Nghị quyết là chậm trong việc quy định chi tiết thi hành. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trong khi các ngành, các địa phương thì đang rất trông chờ vào các quy định chi tiết này.
Đại biểu nêu rõ, thời gian vừa qua, Quốc hội rất nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, như trong phiên thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) vừa rồi, có đại biểu đề nghị lùi thêm một kỳ nhưng một số đại biểu khác cũng đã rất băn khoăn khi phải lùi lại vì với nỗ lực để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, sớm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Nhưng tại sao có những luật đã ban hành, có hiệu lực pháp luật mà vẫn phải nợ các các văn bản quy định chi tiết, từ đó chưa thể đi vào thực tiễn?
Theo quy định, trong hồ sơ dự án luật phải kèm theo đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, vấn đề này trong thực hiện còn mang tính chất thủ tục và hình thức. Nếu Bộ trưởng cho rằng vấn đề chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết đã tồn tại nhiều năm, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, đại biểu đề nghị cần phải có những giải pháp thật sự quyết liệt hơn, đặc biệt cần phải tham mưu Chính phủ trong việc xác định trách nhiệm và xử lý thì mới có thể khắc phục được tình trạng này.
Trả lời nội dung tranh luận của đại biểu Yến Nhi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hoàn toàn nhất trí vì cách tính có thể khác nhau, nhưng những báo cáo trước Hội đồng là số tuyệt đối. Với các giải pháp, Bộ trưởng cũng đã có câu trả lời trong những câu hỏi của các đại biểu chất vấn trước. Tuy nhiên xem xét, xử lý về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải đánh giá lại. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là một đạo luật hết sức quan trọng, có những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình áp dụng đạo luật này và các văn bản quy định chi tiết cũng như cách thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, sắp tới dự kiến sẽ sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đồng thời Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thực chất hơn đánh giá tác động Nghị quyết của Chính phủ để xử lý một số các vấn đề đặc thù về trách nhiệm chuyên môn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong rà soát pháp luật và tăng cường vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cuối buổi chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quangtrả lời tiếp theo nội dung dung tranh luận của ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù không được đại biểu chất vấn, nhưng dưới góc độ được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ xin có một số vấn đề trao đổi thêm, báo cáo thêm, giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ và qua ý kiến của các đại biểu, có 2 từ được nhắc đến nhiều nhất liên quan đến lĩnh vực này đó là "chậm" và "chưa". Phó Thủ tướng đồng tình trách nhiệm thuộc về Chính phủ, về các Bộ trưởng, Trưởng ngành được giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp. Như đại biểu Yến Nhi đã nêu có đến hơn 60% những văn bản hướng dẫn dưới luật chậm ban hành so với thời điểm có hiệu lực của các luật. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm rất lớn vấn đề này và sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới…