50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh
Tại hội thảo “Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy nhằm hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam” do Học viện Ngân hàng vừa tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho rằng, tài chính xanh là hướng đi cần thiết với Việt Nam và đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu.
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh: Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chính sách định hướng phát triển tài chính xanh, tiêu biểu như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030... Cùng với đó là các quy định pháp lý về tín dụng xanh khác.
Về tình hình triển khai tín dụng xanh, theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30.9.2024, đã có khoảng 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Anh, Chuyên gia tài chính xanh, Phó Tổng Thư ký Hội thành viên độc lập HĐQT doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), CEO Investment Banking - Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh: Ngành tài chính đã tài trợ cho các công ty có tác động tích cực với môi trường và xã hội, khuyến khích các công ty quản lý rủi ro ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị) của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản như việc cân bằng giữa hiệu quả tài chính ngắn hạn và tác động tài chính dài hạn, thiếu sự đồng thuận về cách định nghĩa các hoạt động xanh/bền vững, khung pháp lý còn yếu, và thiếu nhu cầu từ phía người tiêu dùng.
Ông Ngô Bình Nguyên, chuyên gia ESG lĩnh vực tài chính ngân hàng, cũng nhận xét, các ngân hàng thương mại đang làm tốt trong việc triển khai các nguồn vốn tín dụng xanh. Dù vậy, việc chưa có bộ chỉ số đánh giá tín dụng xanh dẫn đến khó khăn trong định giá các dự án, đồng nghĩa với việc khó tiếp cận được với nguồn vốn xanh.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh
TS. Doãn Công Khánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, phát triển kinh tế xanh là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Các tiêu chuẩn bền vững đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Do đó chúng ta cần đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh kỳ hạn dài, lãi suất thấp; tín dụng xanh; bảo hiểm xanh. Xây dựng thuế sinh thái hay thuế xanh đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường.
Cụ thể, Bộ Tài chính cần xây dựng danh mục hàng hóa thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn khi thực hiện dự án đầu tư, mua sắm công; phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế tiêu dùng xanh khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa thân thiện với môi trường; phối hợp Ngân hàng Nhà nước sửa đổi cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Để phát triển tín dụng xanh, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; tập trung nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh. Bên cạnh đó, cần thống kê đầy đủ tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn nước ngoài để tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, xã hội; khuyến khích tổ chức tín dụng trong nước đẩy mạnh thực hành ESG và công bố báo cáo phát triển bền vững; và tăng cường các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức tín dụng trong nước…
Tương tự, PGS.TS. Phan Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động này. Điều này bao gồm việc cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực tài chính quốc tế cho mục tiêu phát triển bền vững.