Nhờ chuyển đổi số rất nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời
Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương Dương Quốc Trịnh nhấn mạnh, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.
Thời gian qua, Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Từ đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã trở thành nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý. Chuyển đổi số ở đây không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà còn là một trong những bước đi bắt buộc, không thể bỏ qua.
Theo ông Dương Quốc Trịnh, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là quá trình thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại. Các doanh nghiệp thờ ơ, đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với các khó khăn và thách thức trong tương lai, thậm chí có thể dẫn tới sự thất bại.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển 1 là đơn vị đang tích cực đồng hành với doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trong hành trình chuyển đổi số.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển 1 Nguyễn Toàn Thắng đánh giá, việc doanh nghiệp áp dụng số hóa trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh… sẽ mang lại các hiệu quả thiết thực như tiết kiệm chi phí hoạt động; quản lý thông tin và khai thác tài nguyên tốt hơn. Nâng cao trải nghiệm khách hàng; tối ưu hóa hoạt động tác nghiệp trong quản lý. Đồng thời, mang lại sự linh hoạt của doanh nghiệp, tăng minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị. Tăng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi nhuận.
Sau dịch Covid-19, hành vi người dùng đã thay đổi, mua sắm dựa trên “môi trường số” nhiều hơn. Và chuyển đổi số ở đây không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà còn là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua.
Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thông qua chuyển đổi số, rất nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời. Các mô hình kinh doanh trên các nền tảng số giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng hiệu quả kinh doanh.
Cần chiến lược chuyển đổi số rõ ràng
Tuy nhiên, dù có nhiều kết quả rất tích cực và có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển, nhưng theo đại diện Cục Công Thương địa phương, hiện vẫn có không ít doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn chưa rõ việc thực hiện chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, chuyển đổi số mang lại lợi ích gì.
Dù hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, song nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn trong quá trình này, nhất là về nguồn tài chính doanh nghiệp, năng lực, nguồn lực triển khai chuyển đổi số; các giải pháp chuyển đổi số cũng chưa thật sự rõ ràng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Xanh Nguyễn Trương Nghĩa, doanh nghiệp đã thành lập được 10 năm, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản lượng chủ yếu xuất khẩu. Hiện, thị trường nước ngoài gặp khó khăn, doanh nghiệp muốn quay lại khai thác thị trường nội địa và mong muốn xây dựng gian hàng ảo để giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực tế trong câu chuyện chuyển đổi số doanh nghiệp không biết làm từ đâu, làm như thế nào và kinh phí bao nhiêu mới đáp ứng đủ.
Trước những thách thức còn hiện hữu, để thúc đẩy chuyển đổi số thành công, các chuyên gia lưu ý, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trước hết phải hiểu chuyển đổi số ra sao, ở quy mô doanh nghiệp mình nên chuyển đổi ở mức nào. Do đó, cần tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu thế nào là chuyển đổi số và các bước tiếp theo cần làm như thế nào cho bài bản, tránh rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, trong đó định vị sản phẩm ra sao, kiểm soát chất lượng sản phẩm như thế nào và cần thiết phải có dịch vụ chăm sóc khách hàng.