Phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” cho thấy hiệu quả rõ rệt
- Quốc hội vừa hoàn thành 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn. Ông đánh giá như thế nào về phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này?
- Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, và thành công tốt đẹp trên tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Chủ tọa điều hành các phiên chất vấn đã có những đổi mới rất thiết thực, nêu yêu cầu cụ thể với các đại biểu cần tập trung vào 1 - 2 vấn đề tâm đắc nhất trong phạm vi nội dung đưa ra chất vấn. Điều này cho thấy hiệu quả trong việc định hướng chất vấn đi sâu vào trọng tâm vấn đề, tập trung vào những nội dung quan trọng, cấp thiết, đang là mối quan tâm lớn của cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Cách thức này cũng tạo điều kiện cho các bộ trưởng, trưởng ngành thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, đầy đủ các vấn đề đại biểu nêu ra, góp phần tạo hiệu quả chất vấn cao hơn, thiết thực hơn.
Tôi nhận thấy, các đại biểu đều đặt câu hỏi, tranh luận theo đúng đề nghị của Chủ tọa. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, “hỏi nhanh, đáp gọn” tiếp tục là một trong các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn - hình thức giám sát tối cao trực tiếp của Quốc hội.
Với phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành, dù đã “dày dặn” kinh nghiệm hay lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, thì đều tập trung vào nội dung câu hỏi, trả lời thẳng thắn, rõ ràng, cơ bản giải đáp được những vấn đề đại biểu đưa ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những câu trả lời chưa thật sự bám sát nội dung câu hỏi, hoặc trả lời vượt quá khung thời gian cho phép. Mặc dù vậy, theo tôi, đây là những vấn đề có thể chia sẻ được, vì trả lời chất vấn cũng như làm "bài thi vấn đáp", bất kỳ ai tham gia đều chịu áp lực rất lớn, đặc biệt khi đứng trước hàng trăm đại biểu Quốc hội cùng sự theo dõi, giám sát trực tiếp của hàng triệu cử tri và Nhân dân.
Mặt khác, dù nội dung chất vấn đã được "khoanh vùng", nhưng rõ ràng phạm vi vấn đề còn rất rộng, trong đó có nhiều nội dung chuyên môn sâu, đòi hỏi phải kiểm soát thời gian và phải trả lời đúng, đủ thông tin, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp.
- Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy này, theo ông, vấn đề nào quan trọng và cấp bách nhất đặt ra với Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành?
- Các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa, thể thao và du lịch được Quốc hội lựa chọn trên cơ sở lấy ý kiến của tất cả đại biểu Quốc hội cũng như quá trình rà soát, chắt lọc từ những vấn đề đang được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cần được xem xét giải quyết, khắc phục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Mong rằng, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến, đề nghị của đại biểu và tìm kiếm những giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành. Đồng thời, phát huy những thành tích, kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra.
Tổng Kiểm toán Nhà nước đã sử dụng hiệu quả thời gian trả lời chất vấn
- Trong các bộ trưởng, trưởng ngành được trả lời chất vấn lần này, có Tổng Kiểm toán Nhà nước - cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước duy nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật - lần đầu tiên đăng đàn. Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời này?
- Ở góc độ chuyên môn, do là thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan được Quốc hội phân công theo dõi, thẩm tra, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nên tôi dành quan tâm hơn với phần trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Qua theo dõi phiên chất vấn, có thể thấy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc nội dung câu hỏi, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào trong tâm và cơ bản giải đáp được những vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó, riêng việc hoàn thành nhiệm vụ trả lời chất vấn sớm hơn so với thời gian dự kiến sau khi đã giải đáp toàn bộ các chất vấn và tranh luận của đại biểu cũng đã cho thấy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã sử dụng hiệu quả quỹ thời gian dành cho mình để trả lời dứt điểm các nội dung chất vấn.
- Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn với Tổng Kiểm toán Nhà nước, đó là hiện tượng có những dự án, chương trình đã được kiểm toán, nhưng sau đó vẫn phát hiện sai phạm. Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời với vấn đề này?
- Về cơ bản, tôi đồng tình với nội dung trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, có chức năng thực hiện kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công, vì thế, đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là khá toàn diện và rộng; phải dựa theo quy trình, chuẩn mực kiểm toán để đánh giá, xác nhận tổng thể, toàn diện thông qua việc xem xét trọng yếu, rủi ro kiểm toán để chọn mẫu kiểm toán. Chính vì vậy, kiểm toán cũng có những hạn chế nhất định trong việc đi sâu, đi tới cùng với các vụ việc cụ thể so với các cơ quan thanh tra, điều tra.
Ngoài ra, hiện nay Kiểm toán Nhà nước chủ yếu thực hiện “hậu kiểm”, nên chỉ có thể thực hiện kiểm tra trên hồ sơ, chứng từ, tài liệu do đơn vị cung cấp. Do đó, nếu trong trường hợp các đối tượng cố tình cấu kết làm giả hoặc hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, thì với những phương pháp chuyên môn hiện tại, quá trình kiểm toán cũng sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc phát hiện gian lận, sai phạm.
Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng đều đã có quy định giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng. Nhưng theo quan điểm của tôi, quy định về điều kiện và phương pháp thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng tại các luật còn hạn chế.
Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước khắc phục hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu chỉ ra. Trong đó, cần chú ý phân định rạch ròi trách nhiệm, phạm vi, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước với phạm vi, đối tượng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để tránh chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các cơ quan, gây phiền hà cho các đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán và phức tạp trong giải quyết các mối quan hệ về chuyên môn, hành chính giữa các cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Theo tôi, chỉ nên giao cho Kiểm toán Nhà nước tập trung thực hiện chức năng kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế sai phạm ở phạm vi tổng quát, từ sớm, từ xa như thông lệ quốc tế. Đặc biệt, cần quy định thông qua hoạt động kiểm toán, nếu phát hiện dấu hiệu của hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm, thì tùy mức độ để xử lý hoặc chuyển hồ sơ sang các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo các tiêu chí, điều kiện quy định cụ thể trong luật. Quy định như vậy vừa giúp minh bạch và nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, vừa tránh tình trạng lạm dụng việc chuyển hồ sơ một cách quá mức, làm tăng khối lượng công việc không thỏa đáng cho các cơ quan có thẩm quyền, ảnh hưởng đến các đơn vị được kiểm toán.
- Trong phiên chất vấn, đại biểu cũng đặt vấn đề rằng, đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán..., thưa ông?
- Sự quan tâm của cử tri, đại biểu Quốc hội về những hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng dễ hiểu. Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thừa nhận là "có hành vi tiêu cực" của một số kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán, nhưng "rất ít", và đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ quyết tâm sẽ kiên quyết loại bỏ những đối tượng này để giữ được đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực của ngành kiểm toán; đồng thời nêu đầy đủ hệ thống các biện pháp kiểm soát, quản lý, chuẩn mực... do Kiểm toán Nhà nước ban hành, góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực nêu trên.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã sử dụng thanh tra nội bộ và bộ phận kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán để tổ chức thanh tra, kiểm sát thường xuyên và thông qua hệ thống ghi chép nhật ký điện tử gửi về cơ sở dữ liệu chung để theo dõi, giám sát, để kiểm soát, phòng ngừa gian lận, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
Ngoài ra,Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nghiêm công tác luân chuyển cán bộ để tránh cấu kết, quan hệ thân hữu; thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, trong đó có quy định đề nghị chính những đơn vị được kiểm toán phối hợp, hỗ trợ giám sát giúp Kiểm toán Nhà nước phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với kiểm toán viên nhà nước, những người tham gia hoạt động kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả tuyệt đối của các giải pháp nêu trên, nhưng rõ ràng, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng được một hệ thống giải pháp tổng thể, từ thể chế đến cách thức tổ chức thực hiện cũng như quan hệ phối hợp với các bên có liên quan trong kiểm soát, phòng ngừa các hành vi tiêu cực, gian lận, tham nhũng có thể xảy ra trong nội bộ ngành.
- Xin cám ơn ông!