Đây là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại Tọa đàm giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Làm thế nào để bảo đảm tiến độ, chất lượng của văn bản để kịp thời hướng dẫn khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan, địa phương trong thời điểm “chạy nước rút” khi chỉ còn gần 10 ngày nữa là 3 luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1.8).
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đất đai là lĩnh vực rất rộng, có nhiều chính sách liên quan. Do đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này được ví là “rừng văn bản”. Bên cạnh những quy định pháp luật liên quan đến đất đai chặt chẽ, thống nhất, cũng còn những khoảng trống pháp lý, những điểm “vênh” làm khó cho cơ quan thực thi, cho địa phương và doanh nghiệp.
Đó là những vướng mắc trong quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, tính tiền sử dụng đất, xác định giá đất cụ thể. Cùng với đó, chưa quy định danh mục cụ thể về hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội... Điều này ảnh hưởng đến phát triển của thị trường bất động sản thời gian qua.
Những vướng mắc, bất cập này sẽ được tháo gỡ khi 1.8 tới, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực thi hành. Đơn cử, Luật Nhà ở đã sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển nhà ở. Luật Nhà ở quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...
Với nhiều chính sách mới, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua đã tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, nhiều cơ hội tốt đối với nhà đầu tư, cũng như giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, khơi thông, phát triển thị trường bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng.
Thời gian 3 đạo luật kể trên có hiệu lực đã rất cận kề. Điều này đòi hỏi Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phải ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để các luật sớm đi vào cuộc sống, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, tạo động lực cho sự phát triển.
Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV cũng nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Đồng thời, Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1.8.2024; chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải dồn tổng lực để các văn bản hướng dẫn thi hành luật về đích đúng hạn theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cần thống nhất quan điểm xuyên suốt, đó là tiến độ và chất lượng của văn bản hướng dẫn phải song hành, “không thể vì vội, vì gấp mà giảm yêu cầu về chất lượng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật”.