Đào tạo như thế nào?
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở đào tạo đại học nhiều kinh nghiệm nhất và lớn nhất tại Việt Nam về công nghệ bán dẫn.
Năm 1947, transistor - thiết bị bán dẫn đầu tiên trên thế giới được phát minh tại Bell labs, Hoa kỳ. Năm 1962, Trường Đại học Khoa học tự nhiên là nơi chế tạo ra chiếc transistor đầu tiên tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo Công nghệ bán dẫn của trường được xây dựng trên kinh nghiệm và thành quả của ngành Khoa học vật liệu (50 năm kinh nghiệm) cũng như chương trình đào tạo liên thông với các chương trình sau đại học công nghệ bán dẫn của nước ngoài như chương trình thạc sĩ Công nghệ bán dẫn liên kết NYCU - Đài Loan từ năm 2020.
Là cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu hàng đầu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sở hữu nhiều trang thiết bị hiện đại, nổi bật là cụm hệ thống thiết bị phòng sạch, có khả năng trong chế tạo chip bán dẫn.
Chương trình cử nhân Công nghệ bán dẫn của nhà trường được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về vật liệu bán dẫn, thiết kế vi mạch (IC Design), công nghệ chế tạo bán dẫn, hệ thống vi điện tử và cảm biến, kỹ thuật quang tử và linh kiện nano. Sinh viên được học lý thuyết kết hợp thực hành trong phòng thí nghiệm, tham gia các dự án nghiên cứu và thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
GS.TS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sinh viên theo học chương trình này sẽ được đào tạo bài bản, có nền tảng kiến thức lý thuyết vững vàng và kỹ năng thực hành thành thạo để làm việc tại các vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như chế tạo; thiết kế, đóng gói và kiểm chuẩn của các linh kiện bán dẫn tích hợp (IC); phát triển vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng của linh kiện, thiết bị.
Các em cũng có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và các lĩnh vực liên quan; thích ứng cao với các đòi hỏi của thị trường lao động.
Ngoài đào tạo chuyên môn, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm, có kỹ năng giao tiếp, quản lý, làm việc nhóm và năng lực ngoại ngữ tốt để làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hoá, đa quốc gia.
Sinh viên sẽ được tiếp xúc và làm quen với năng lực nghiên cứu khoa học từ năm nhất, tự học và cập nhật các kiến thức, công nghệ mới; có tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tư duy khách quan, các kỹ năng nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời, có khả năng vận dụng những kiến thức và kỹ năng đạt được vào trong thực tế sản xuất nhằm cải tiến chất lượng quy trình, sản phẩm.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thế Toàn, Khoa Vật lý đã phối hợp chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp công nghệ để sinh viên có cơ hội thực tập, nghiên cứu và làm việc thực tế, nâng cao năng lực cạnh tranh khi ra trường.
Khoa Vật lý nói riêng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung có nhiều chính sách thu hút và hỗ trợ học sinh giỏi tham gia vào chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn. Sinh viên có cơ hội nhận học bổng có giá trị từ nhiều Quỹ học bổng (trị giá trên 10 tỷ đồng). Ngoài ra, các em được tạo điều kiện tham gia các khóa thực tập tại các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức.

TS Hoàng Chí Hiếu, Phó Khoa Vật lý cho biết, Khoa là đơn vị nghiên cứu trọng điểm có cơ sở hạ tầng phòng sạch duy nhất tại Đại học Quốc gia Hà Nội, có trang thiết bị phù hợp để chế tạo vật liệu và linh kiện bán dẫn.
Phòng thí nghiệm Khoa Vật lý là cơ sở nghiên cứu và thực hành hiện đại, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong ngành vật lý và các lĩnh vực liên quan. Với hệ thống trang thiết bị tiên tiến, phòng thí nghiệm giúp sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tiếp cận với các thí nghiệm thực tiễn, từ vật lý cơ bản đến các ứng dụng công nghệ cao.
"Phòng thí nghiệm được tổ chức thành nhiều nhóm chuyên môn như vật lý lý thuyết, vật lý chất rắn, vật lý ứng dụng, quang học - quang phổ, vật lý hạt nhân và vật lý y sinh. Các nghiên cứu tại đây không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn có tính ứng dụng cao trong khoa học và công nghệ", TS Hoàng Chí Hiếu cho hay.
TS Hoàng Chí Hiếu nhấn mạnh thêm, Khoa Vật lý đang không ngừng chuyển hoá những nghiên cứu cơ bản thành những sản phẩm khoa học công nghệ cao, mũi nhọn của chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn.
Cơ hội việc làm rộng mở, vươn tầm quốc tế
Nói về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, theo TS Hoàng Chí Hiếu, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho cử nhân công nghệ bán dẫn.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty sản xuất chip và thiết bị bán dẫn lớn như: Intel, Samsung, TSMC, GlobalFoundries, Foxconn…; các tập đoàn công nghệ điện tử Apple, Qualcomm, NVIDIA, Sony…; viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm về vật liệu, vi mạch và công nghệ nano; doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ cao và IoT; hoặc giảng dạy tại các trường đại học.
Ngoài ra, sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp cận học bổng để tiếp tục học thạc sĩ/ tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu thế giới tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ,...
Nhu cầu nhân lực công nghiệp chip đang khan hiếm nhân lực trình độ cao trên toàn cầu với mức lương hấp dẫn, sinh viên sau tốt nghiệp có lợi thế để cạnh tranh ở các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Tuyển sinh 140 chỉ tiêu, theo 7 tổ hợp
Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở chương trình đào tạo cử nhân công nghệ bán dẫn, tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2025 với 140 chỉ tiêu.
Năm 2025, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo Công nghệ bán dẫn, đào tạo hệ cử nhân chính quy, với 140 chỉ tiêu và các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, A02, C01, C02, B00, D07.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ bán dẫn không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp bách, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là cơ hội để các trường đại học tiên phong đào tạo đội ngũ chuyên gia bán dẫn, phục vụ sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số.

Hệ thống phòng thí nghiệm sạch của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN được trang bị thiết bị hiện đại, tiên tiến. Ảnh: VNU
Chương trình đào tạo hệ cử nhân công nghệ bán dẫn được chia làm 3 định hướng: Công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn và IC; Công nghệ đóng gói và kiểm thử linh kiện bán dẫn; Công nghệ vật liệu bán dẫn.
“Với mục tiêu trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng và chuyên sâu của công nghệ bán dẫn, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sau tốt nghiệp có thể tự tin áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sáng tạo khởi nghiệp và hội nhập quốc tế”, PGS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Công nghệ bán dẫn là "xương sống" của nền kinh tế số, đóng vai trò cốt lõi trong sản xuất vi mạch, chip điện tử, cảm biến và các thiết bị công nghệ cao. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và AI bùng nổ, nhu cầu về chất bán dẫn ngày càng gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực: điện tử và viễn thông, ô tô thông minh và xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán hiệu năng cao và Internet vạn vật (IoT) và thành phố thông minh. Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực về công nghệ bán dẫn ngày càng lớn. Nhiều báo cáo cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với tình trạng khát nhân lực trên phạm vi toàn cầu. Các tập đoàn công nghệ lớn như Micron, Intel, Samsung, TSMC, Qualcomm,… đều cần một đội ngũ kỹ sư bán dẫn có chuyên môn sâu để phục vụ sản xuất và nghiên cứu phát triển (R&D).
Tại Việt Nam, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút đầu tư từ các “ông lớn” như TSMC, Samsung, Intel, Amkor, … Nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng gấp 3-4 lần trong thập kỷ tới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ bài bản về thiết kế vi mạch, chế tạo bán dẫn và kiểm định chất lượng sản phẩm.
Những năm gần đây, hàng loạt trường đại học đã mở các chuyên ngành liên quan đến đào tạo vi mạch bán dẫn.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Để thực hiện chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT đã lập tức ban hành kế hoạch hành động, ra quyết định thành lập tổ công tác, Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy góp ý cho Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn.