Thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Đức hiện là quốc gia có tỷ lệ dân số già thuộc hàng bậc nhất châu Âu, với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là âm. Điều đó đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại Đức đang ở mức báo động. Các nhà tuyển dụng ở quốc gia này đang thiếu hàng trăm nghìn công nhân lành nghề mỗi năm, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, chăm sóc y tế, xây dựng và logistics.
Hơn 70% công ty trong ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí - những ngành được coi là động lực chính của thị trường xuất khẩu khổng lồ của Đức đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Đối với ngành điều dưỡng ở Đức cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Dự kiến đến năm 2035, nước này có thể thiếu khoảng 500.000 nhân viên điều dưỡng. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc được cho là sẽ gia tăng bởi tuổi thọ trung bình tại Đức đang tăng cao. Hậu quả của tình trạng thiếu hụt nhân lực kéo dài là khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này chậm lại. Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết, Đức sẽ cần thêm khoảng 7 triệu công nhân lành nghề vào năm 2035, một mục tiêu không thể đạt được nếu không có người nhập cư.
Trước tình trạng này, vào năm 2023, Chính phủ Đức đã thông qua Đạo luật Nhập cư dành cho lao động có tay nghề. "Thẻ cơ hội" là một phần của đạo luật này, có hiệu lực từ đầu tháng 6, được kỳ vọng sẽ giúp nước Đức bù đắp lượng nhân công tay nghề cao từ lực lượng nhập cư.
"Thẻ cơ hội" hoạt động như thế nào?
"Thẻ cơ hội" (Chancenkarte) là một chương trình thị thực mới của Đức cho phép người nước ngoài đến Đức để tìm một công việc toàn thời gian. Chương trình này hoạt động dựa trên “hệ thống tính điểm” tương tự như Hệ thống xếp hạng toàn diện của Canada. Thông qua một hệ thống điểm chi tiết có tính đến các yếu tố như kinh nghiệm chuyên môn, trình độ học vấn và kỹ năng ngôn ngữ, "Thẻ cơ hội" giúp người nước ngoài đến Đức một cách linh hoạt và độc lập hơn so với trước đây.
Khi các ứng viên đủ điểm, họ có thể chuyển đến Đức và ở lại hợp pháp trong một năm. Trong quá trình tìm kiếm một công việc toàn thời gian, họ có thể làm việc bán thời gian tối đa 20 giờ mỗi tuần hoặc hoàn thành thời gian thử việc kéo dài hai tuần. Tùy theo hoàn cảnh, thời gian tìm việc có thể được kéo dài 2 năm.
Chính phủ Đức đã đưa ra những tiêu chí để có được "Thẻ cơ hội", trong đó ứng viên có thể lựa chọn đăng ký theo hai hướng sau. Hướng thứ nhất, đối với ứng viên có bằng đại học hoặc bằng đào tạo nghề được Chính phủ Đức công nhận, sẽ đủ điều kiện trực tiếp tham gia "Thẻ cơ hội" ở Đức mà không cần bất kỳ yêu cầu nào thêm.
Hướng thứ hai, ứng viên sẽ phải đáp ứng đủ ba yêu cầu cơ bản bao gồm hoàn thành chương trình đào tạo nghề với ít nhất 2 năm đào tạo được quốc gia cấp chứng chỉ công nhận hoặc có bằng cấp nghề do Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài cấp; đạt trình độ tiếng Đức A1 hoặc tiếng Anh ở mức B2; và có đủ phương tiện tài chính để hỗ trợ bản thân trong quá trình kiếm việc làm ở Đức.
Ngoài các yêu cầu cơ bản nêu trên, việc phân bổ điểm còn phụ thuộc vào kinh nghiệm làm việc, kỹ năng ngôn ngữ, độ tuổi và mối liên hệ trước đây với Đức. Đối với những người đủ điều kiện làm việc ở lĩnh vực đặc biệt thiếu hụt lao động sẽ nhận được điểm cộng thêm. Ứng viên sẽ nhận được điểm cho hầu hết các yêu cầu, tùy thuộc vào trình độ kỹ năng và kinh nghiệm. Để được xem xét tham gia "Thẻ cơ hội", họ phải ghi được tổng cộng ít nhất 6 điểm - những điểm này được tạo thành từ các tiêu chí trên, theo đó các yêu cầu cơ bản phải được đáp ứng trước khi có thể ghi thêm điểm.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình mới này, những người lao động từ các nước Tây Balkan sẽ có nhiều cơ hội hơn trên thị trường lao động Đức, ngay cả khi họ không đáp ứng được các tiêu chí trên. Song, họ vẫn phải xuất trình hợp đồng lao động trước khi vào nước này. Cho đến nay, 25.000 công nhân từ Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia đã có thể vào Đức hàng năm, thông qua Quy định Tây Balkan.
Băn khoăn về tính khả thi
Sau khi Chính phủ Đức ra mắt "Thẻ cơ hội", một số chuyên gia đã bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của chương trình thị thực tính điểm này.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Rheinische Post của Đức, Trưởng phòng Nghiên cứu về Di cư, Hội nhập và Lao động Quốc tế tại Viện nghiên cứu việc làm Đức (IAB) Herbert Brücker bày tỏ sự nghi ngờ về tiềm năng thu hút một lượng đáng kể lao động mới của chương trình này. Ông cho rằng, chương trình của Đức sẽ có tác động khiêm tốn hơn so với các chương trình tương tự như ở Canada hay Australia. Theo đó, Canada hướng tới tạo cơ hội thuận lợi để người nước ngoài trở thành thường trú, trong khi "Thẻ cơ hội" của Đức chỉ nói về khả năng tìm việc làm. Hơn nữa, trong tương lai, người lao động sẽ có nhiều phương thức để tìm kiếm việc làm hơn, chẳng hạn như phỏng vấn từ xa hoặc tìm việc làm bằng thị thực du lịch để tránh những thủ tục phức tạp liên quan đến việc đăng ký thẻ.
Nhà nghiên cứu di cư tại Đại học Kỹ thuật Dresden Hans Vorländer cũng có quan điểm tương tự và cho rằng, hệ thống tính điểm vẫn còn quá phức tạp và có nhiều hạn chế để đóng vai trò khuyến khích người lao động nước ngoài đến Đức, vì vậy Chính phủ cần đơn giản hóa hệ thống này hơn nữa.
Trong khi đó, Liên đoàn Công đoàn Đức (DGB) cũng chỉ ra thêm một số bất cập bao gồm, nguy cơ dẫn đến số người nộp đơn nhiều hơn số thị thực có sẵn vì số lượng thẻ bị giới hạn mỗi năm, và ứng viên sẽ gặp khó khăn trong việc hội đủ các điều kiện để được cấp thẻ…
Tuy nhiên, việc Chính phủ Đức phát hành "Thẻ cơ hội" được cho là một bước tiến trong nỗ lực cải thiện nguồn lao động lành nghề. Đối với công dân của quốc gia nước thứ ba, đây sẽ là cơ hội mở đường để tiếp cận nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Còn đối với Chính phủ, đây là một cách để thu hút nguồn lao động lành nghề dồi dào mà quốc gia này đang rất cần.
Như Ý
Theo DW, The Local