Leo thang phi thường
Cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt đến mức thuế quan tích lũy và thuế quan trả đũa phi thường, khi không bên nào tỏ ý sẽ lùi bước. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng", không khoan nhượng trước áp lực của Trump nhằm đưa các chính phủ trên thế giới vào bàn đàm phán.

Trung Quốc đã công bố mức thuế quan trả đũa ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan mới đối với Trung Quốc. Ông Trump sau đó cảnh báo Trung Quốc phải rút lại mức thuế này hoặc ông sẽ tăng thuế trở lại. Sau khi Trung Quốc từ chối tối hậu thư của Mỹ, hai bên đã bắt đầu một loạt các đợt tăng thuế trả đũa. Với việc Tổng thống Trump cam kết đánh thuế 125% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, Bắc Kinh cho biết họ sẽ áp thuế 84% đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ, hiện đang có hiệu lực. Họ cũng đã đưa 18 công ty Hoa Kỳ vào danh sách hạn chế thương mại, cùng với các biện pháp đối phó khác.
Bài xã luận của tờ China Daily xuất bản tối 9.4 cho biết "Bắc Kinh không thể nhượng bộ trước sức ép của Hoa Kỳ". “Không phải là Trung Quốc không hiểu mức thuế quan cao chưa từng có có ý nghĩa gì đối với hàng xuất khẩu và nền kinh tế nói chung. Lợi nhuận của các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và sự suy giảm đầu tư sản xuất và tâm lý người tiêu dùng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
“Nhưng họ cũng biết rằng việc cúi đầu trước hành vi bắt nạt thuế quan của Hoa Kỳ sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, vì không còn là bí mật khi Hoa Kỳ hiện đang có ý định loại Trung Quốc ra khỏi thị trường tiêu dùng của mình và định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu để phục vụ cho lợi ích của Mỹ”.
Trung Quốc hiện có vẻ đang tiếp cận các quốc gia khác trong một nỗ lực rõ ràng nhằm củng cố các thỏa thuận thương mại không có Mỹ và các mức thuế trừng phạt của nước này. Thị trường phản ứng tích cực với quyết định tạm hoãn áp thuế của Donald Trump, bao gồm cả ở thị trường Trung Quốc. Các thị trường giao dịch lớn của Trung Quốc hầu như đã vượt qua được cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới vào đầu tuần này, rõ ràng là do sự can thiệp của chính phủ.
Thuế quan sẽ có tác động như thế nào?
Người đứng đầu WTO Ngozi Okonjo-Iweala hôm 9.4 cho biết cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm sụt giảm 80% thương mại giữa hai nước.
Theo ông Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, do hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 3% thương mại toàn cầu nên cuộc xung đột có thể "gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế của toàn thế giới”. Các nhà phân tích dự đoán mức thuế này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến GDP của Trung Quốc, vốn được giới lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, theo hãng tin AFP đưa tin.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ - từ đồ điện tử và máy móc đến hàng dệt may - có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Và do hàng hóa Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho các công ty Hoa Kỳ nên thuế quan cũng có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Hoa Kỳ, các nhà phân tích cảnh báo.
Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho biết "rất khó để thấy bên nào lùi bước trong vài ngày tới". Tuy nhiên, ông nói thêm: "Các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ diễn ra, mặc dù việc bãi bỏ hoàn toàn tất cả các mức thuế bổ sung... có vẻ không khả thi".