Theo University World News, ông Thomas Estermann - Giám đốc phụ trách quản trị, tài chính và chính sách công của EUA, đồng tác giả báo cáo - nhận định, giáo dục đại học châu Âu đang đối mặt với chặng đường đầy khó khăn. Dù ngân sách công trong vài năm qua nhìn chung tích cực, xu hướng chi phí gia tăng nhanh chóng đang đe dọa sự bền vững tài chính. Ông cảnh báo, tại nhiều quốc gia, nguồn tài trợ công còn đang có chiều hướng giảm, có thể dẫn đến khủng hoảng nếu các trường không hành động kịp thời và chiến lược.
Tài chính đại học: áp lực ngày càng gia tăng
Báo cáo mới công bố của EUA, dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát quy mô lớn thực hiện vào năm ngoái, nhằm thu thập dữ liệu chi tiết về tình hình tài chính của các cơ sở giáo dục đại học trên khắp châu Âu. Báo cáo không chỉ phản ánh thực trạng hiện tại, mà còn đưa ra những nhận định và quan điểm về cách các trường đại học có thể ứng phó với những thách thức tài chính ngày càng gia tăng. Với sự tham gia khảo sát của 168 tổ chức từ 34 quốc gia, báo cáo ghi nhận dữ liệu chi tiết về thu nhập và cơ chế tài trợ, đồng thời đưa ra phân tích và khuyến nghị về cách các trường có thể thích ứng trước áp lực tài chính ngày càng gia tăng.
Báo cáo mang tên "Trường đại học bền vững về mặt tài chính - Tình hình hiện tại và các chiến lược phục hồi trong tương lai" phát hiện ra rằng, giáo dục đại học ở châu Âu phần lớn được tài trợ công, chiếm gần 3/4 thu nhập. Tài trợ công cơ bản chiếm gần 60% nguồn tài trợ, trong khi tài trợ công cạnh tranh chiếm 10% (đây là hình thức phân bổ ngân sách công dựa trên sự cạnh tranh giữa các tổ chức, ví dụ như các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, thay vì phân bổ cố định hay theo định mức). Ngoài ra, 5% tài trợ đến từ các nguồn quốc tế, chủ yếu là Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, học phí là nguồn thu nhập tư lớn nhất, trung bình là 13%, mặc dù con số này thay đổi rất nhiều giữa các quốc gia. Các nguồn thu còn lại bao gồm hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp và các khoản tài trợ thiện nguyện.
Về nguồn chi, gần 2/3 chi phí liên quan đến nhân sự và 10% liên quan đến chi tiêu vốn. Trung bình, giảng dạy chiếm chưa đến một nửa chi tiêu của các tổ chức giáo dục, trong khi nghiên cứu chiếm chưa đến 1/3, nhưng tỷ lệ này thay đổi tùy thuộc vào chuyên môn. Các trường đại học kỹ thuật có sự phân bổ tương đối đồng đều giữa giảng dạy (45,8%) và nghiên cứu (37,9%). Ngược lại, các trường nghệ thuật và âm nhạc chi nhiều hơn cho giáo viên (66,9%) và chỉ 7,4% cho nghiên cứu.
Tầm quan trọng của nguồn tài trợ EU
Các trường đại học ở châu Âu cho biết, nguồn tài trợ từ EU ngày càng đóng vai trò quan trọng. 60% trong số các trường tham gia khảo sát cho rằng, nguồn này và tài trợ công cơ bản đã tăng trong 5 năm qua, trong khi các nguồn khác sụt giảm hoặc trì trệ mặc dù chi phí leo thang.
Một báo cáo gần đây cho thấy, 9 trong số 10 trường đại học đang phải đối mặt với tình trạng chi phí nhân sự gia tăng, trong khi 8/10 trường cũng ghi nhận chi phí vận hành tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lạm phát, chi phí năng lượng leo thang và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở vật chất.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong vòng 5 năm tới, khi phần lớn các trường đều cho rằng chi phí sẽ tiếp tục tăng, trong khi không kỳ vọng ngân sách công sẽ tăng tương ứng để bù đắp. Điều này khiến nhiều trường rơi vào thế bị động về tài chính.
Đáng chú ý, gần 60% số trường được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch tăng học phí, thậm chí một số còn dự đoán mức học phí sẽ giữ nguyên hoặc giảm. Trong bối cảnh áp lực chi phí ngày càng lớn, việc duy trì hoặc hạ học phí càng khiến tình hình tài chính thêm căng thẳng.
Ngoài ra, kỳ vọng vào các nguồn tài trợ bên ngoài cũng khá thận trọng. Hầu hết các trường không tin rằng các khoản tài trợ từ thiện hoặc tài trợ công quốc tế (ngoại trừ từ EU) sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận các trường tỏ ra lạc quan với khả năng nhận được hỗ trợ tài chính từ EU và kỳ vọng vào việc gia tăng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh giáo dục.
Theo báo cáo, tình hình trên phản ánh bức tranh đầy thách thức về khả năng duy trì tài chính bền vững trong giáo dục đại học châu Âu. Bên cạnh các chi phí nói trên, các trường đại học còn phải tìm cách thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học.
Bảo đảm tính bền vững trong tương lai
Theo báo cáo, để bảo đảm một tương lai tài chính vững chắc cho các trường đại học châu Âu, cần có những cách tiếp cận chủ động và linh hoạt hơn. Mặc dù không có một giải pháp chung cho tất cả, nhưng những chiến lược cốt lõi bao gồm: đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động, củng cố năng lực tổ chức và xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, các trường đại học cần biết ưu tiên những hoạt động phù hợp với bối cảnh tài chính hiện tại. Một trong những khuyến nghị chính là mở rộng nguồn tài trợ, đặc biệt là từ các nguồn ngoài ngân sách công cơ bản, bao gồm việc tìm kiếm các nguồn thu mới hoặc gia tăng các nguồn thu hiện có.
Phản hồi từ các trường cho thấy, họ đang áp dụng nhiều hướng tiếp cận khác nhau nhằm đa dạng hóa tài chính, bao gồm: tham gia các cơ chế tài trợ công có tính cạnh tranh, ký kết hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Nhiều trường cũng đang tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài trợ từ EU, đồng thời điều chỉnh chiến lược của mình để phù hợp hơn với các chương trình ưu tiên nghiên cứu và các hành động cụ thể của EU.
Một nguồn thu nhập khác mà các trường có thể cân nhắc là dịch vụ giáo dục và điều này có thể đặc biệt hiệu quả ở các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số.
Báo cáo khuyến nghị nên thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn, cũng như tạo điều kiện cho những người trẻ đến từ các nhóm đối tượng chưa được tiếp cận đầy đủ - chẳng hạn như người thuộc các dân tộc thiểu số, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn và người trưởng thành có nhu cầu học tập - tham gia vào giáo dục đại học.
Báo cáo chỉ ra “phần lớn người được khảo sát cho rằng việc nâng cao khả năng thu hút sinh viên quốc tế là yếu tố then chốt giúp các trường đại học tạo thêm nguồn thu cần thiết. Điều đó cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong việc thu hút nhóm sinh viên này sẽ ngày càng gay gắt trong thời gian tới".
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo, những cuộc khủng hoảng gần đây như đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine cho thấy sự mong manh của các hoạt động trao đổi quốc tế, bao gồm cả sinh viên và giảng viên, trước các biến động toàn cầu, và điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của nhà trường.
Bên cạnh đó, báo cáo nhấn mạnh để đa dạng hóa nguồn thu hiệu quả, các trường đại học ở châu Âu cần xây dựng những cơ chế và cấu trúc nội bộ vững chắc. Nếu không xác định rõ các ưu tiên chiến lược và không có hệ thống hỗ trợ phù hợp, các trường có thể lãng phí nguồn lực và thất bại trong việc tiếp cận các dòng tài trợ mới.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức độ tự chủ tài chính và phân cấp quản lý có vai trò quan trọng trong việc giúp các trường chủ động hoạch định và kiểm soát nguồn lực tài chính của mình. Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi thuế, chẳng hạn như miễn thuế cho các trường đại học và khấu trừ thuế cho các đối tác, cùng với những quy định thuận lợi hơn trong việc khai thác giá trị thương mại từ quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem là những công cụ hữu hiệu hỗ trợ đa dạng hóa tài chính.
Ngoài ra, theo báo cáo, có tới 90% người tham gia khảo sát coi việc nâng cao hiệu quả hoạt động là yếu tố chiến lược, gắn liền với công tác quản trị. Hơn 80% cơ sở giáo dục đại học cho biết, họ xem chuyển đổi số là chiến lược then chốt giúp nâng cao hiệu quả, bên cạnh các biện pháp tối ưu hóa cơ sở vật chất, mua sắm và chia sẻ dịch vụ. Khoảng 2/3 số trường đã triển khai các giải pháp như ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, xác định trọng tâm nghiên cứu, chia sẻ tài sản và hợp lý hóa các dịch vụ giáo dục như những cách để tiết kiệm chi phí…