
Theo Yonhap, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 4.4 đã giữ nguyên quyết định luận tội của Quốc hội, qua đó phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol. Phán quyết của Tòa khẳng định tuyên bố áp đặt thiết quân luật của ông Yoon không đáp ứng yêu cầu pháp lý đối với một cuộc khủng hoảng quốc gia. Ngoài ra, tổng thống bị luận tội cũng đã không tuân thủ quy trình trong lúc ban hành thiết quân luật và bị cho là đã vi phạm quyền cơ bản của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến tính độc lập của tòa án.
Phán quyết của tòa có hiệu lực ngay lập tức và Hàn Quốc sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử bất thường để tìm ra người kế nhiệm ông Yoon trong vòng 60 ngày. Trong khoảng thời gian hiện tại, Thủ tướng Han Duck Soo giữ vị trí quyền Tổng thống.
Khủng hoảng chính trị đã chấm dứt?
Giới quan sát nhận định, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chưa thể chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của Hàn Quốc. Bởi, cho dù Tòa đưa ra phán quyết theo hướng nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối của một trong hai phe ủng hộ và phản đối phế truất. Do đó, sau khi Tòa phán quyết, chính trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ khó lường.
Mặc dù chưa đặt được dấu chấm hết cho khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc, nhưng phán quyết chấp thuận luận tội ông Yoon Suk Yeol do Tòa án Hiến pháp đưa ra được coi là khởi điểm của một thời kỳ mới, với cuộc bầu cử tổng thống sẽ phải tiến hành trong vòng 60 ngày sau tuyên cáo. Bên cạnh đó, sự căng thẳng sau phán quyết không dẫn đến bạo lực bùng phát và không có những thiệt hại về người như lần luận tội nữ Tổng thống Park Geun Hye vào 8 năm trước.
Lần này, đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền chấp nhận phán quyết của Tòa và đưa ra lời tạ lỗi với cử tri, các cuộc biểu tình giữa hai phe đã tạm lắng mà không có xung đột bạo lực. Đây được đánh giá là một điểm may mắn và quan trọng nhất trong quá trình giải quyết khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc, là yếu tố giúp giảm sự hỗn loạn của các cuộc chiến tranh giành quyền lực, đồng thời mở đường và góp phần rút ngắn thời gian cho việc bình ổn lại chính trường và bầu không khí xã hội của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại đây chưa phải là “dấu chấm hết” cho cuộc khủng hoảng chính trị, bởi còn rất nhiều xung đột và sự chia rẽ không thể giải tỏa giữa hai phe.
Lộ diện các ứng cử viên tiềm năng
Sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất, dư luận chuyển trọng tâm sang câu hỏi ai sẽ lãnh đạo đất nước sau nhiều tháng bất ổn chính trị, đã thử thách sức bền của nền dân chủ và làm suy yếu khả năng lãnh đạo của nước này. Theo đó, trong cuộc họp nội các vào ngày 8.4, quyền Tổng thống Han Duck Soo cho biết: “Chính phủ dự định chỉ định ngày 3.6 là ngày bầu cử tổng thống lần thứ 21”.
Theo kế hoạch tổ chức bầu cử, hạn chót đăng ký ứng cử chính thức là vào ngày 11.5 và chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu vào ngày 12.5. Những công chức đăng ký tranh cử tổng thống phải từ chức trước ngày 4.5, tức ít nhất 30 ngày trước ngày bầu cử. Tổng thống mới sẽ nhậm chức ngay sau khi có kết quả bầu cử mà không có giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Theo Yonhap, kết quả các cuộc khảo sát dư luận vừa được công bố, cho thấy trong giai đoạn hiện tại có 3 ứng cử viên đang thu hút sự chú ý của công luận là Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung; đương kim Bộ trưởng Lao động - Việc làm Kim Moon Soo và Chủ tịch tiền nhiệm của đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền Han Dong Hoon.
Theo đó, ông Lee Jae Myung, lãnh đạo của đảng Dân chủ đối lập chính đã thua sít sao trong cuộc bầu cử năm 2022 trước ông Yoon, được kỳ vọng rộng rãi sẽ giành được đề cử của đảng mình. Nhà lãnh đạo 61 tuổi dẫn dắt đảng Dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2024, đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri theo chủ nghĩa tự do. Ông Lee được cho là sẽ từ chức chủ tịch đảng trong những ngày tới để tập trung vào cuộc đua giành chức tổng thống của mình. Tuy nhiên, ông Lee cũng đang đối mặt với một số rắc rối pháp lý. Mặc dù tòa án đã bác bỏ phán quyết có tội liên quan tới các cáo buộc vi phạm luật bầu cử, nhưng ông Lee đang trong một số phiên tòa về vụ bê bối phát triển bất động sản trị giá 1 tỷ USD.
Trong khi đó, ông Han Dong Hoon - cựu lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền - được coi là ứng viên bảo thủ hàng đầu. Chính trị gia 51 tuổi đã từ chức đứng đầu đảng PPP trong bối cảnh nội bộ đảng bất đồng trong lời kêu gọi ông Yoon từ chức sau quyết định thiết quân luật. Ông Han được lòng các cử tri bảo thủ ôn hòa nhưng lại bị những người ủng hộ ông Yoon chỉ trích. Ngoài ra, Bộ trưởng Lao động Kim Moon Soo cũng có tỷ lệ thăm dò cao hơn các ứng viên bảo thủ khác.
Tuy nhiên, cả 3 nhân vật này đều chưa có được sự ủng hộ vượt qua mốc 50%. Cụ thể, người có tỷ lệ ủng hộ cao nhất hiện nay là ông Lee Jae Myung, nhưng cũng chỉ giành được 34% ủng hộ. Hai ứng viên còn lại đều ở mức rất thấp với lần lượt là 9% và 5%. Một cuộc bầu cử với 3 ứng viên đều ít được ủng hộ, cũng có thể thấy kết quả bầu cử sẽ khó đoán nhường nào. Theo giới quan sát, bầu cử tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải tiến hành trong bối cảnh không có nhân tố mới nào có sự đột biến.
Thách thức lớn đối với tân Tổng thống
Vị tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sẽ phải chèo lái một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và cán cân an ninh khu vực; đồng thời sẽ phải giúp đất nước này thoát khỏi tình trạng chia rẽ chính trị kéo dài, khôi phục tăng trưởng kinh tế và chứng minh rằng Hàn Quốc có thể vượt qua chu kỳ lãnh đạo kết thúc bằng tranh cãi và luận tội.
Thêm vào đó, tổng thống mới cần thể hiện khả năng đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động của các hàng rào thuế quan đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á; cũng như sẽ phải thúc đẩy đoàn kết quốc gia và thúc đẩy chính sách vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào tình trạng bế tắc nghị trường như dưới thời ông Yoon.
Và cho dù ứng cử viên của đảng cầm quyền hay phe đối lập đắc cử, cũng sẽ tạo ra một cục diện căng thẳng khác. Do đó, kể cả sau khi Hàn Quốc tiến hành bầu cử thành công, chọn ra được tổng thống mới, tình hình nước này cũng chưa thể ổn định ngay, và không ai dám chắc vị tổng thống mới này sẽ không bị luận tội vì một lý do nào đó chưa thể định đoán. Nhiều nhà phân tích chính trị của Hàn Quốc và nước ngoài đều có chung nhận định rằng, cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị Hàn Quốc hiện nay là một sự thay đổi tận gốc rễ và sự thay đổi này phải bắt đầu từ Hiến pháp.