Thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa hai Quốc hội là dấu mốc quan trọng
Tờ Uz Daily đưa tin: Ngày 5.4, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva đã đón và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong chuyến thăm chính thức Uzbekistan.

Bà Tanzila Narbaeva đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh tính chất đặc biệt của chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Tashkent kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Trong cuộc đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình hiện tại và triển vọng hợp tác giữa Quốc hội Uzbekistan và Việt Nam nói riêng và hai nước nói chung. Chủ tịch Thượng viện đánh giá Việt Nam là quốc gia phát triển năng động nhất châu Á, là người bạn thân thiết và lâu đời của Uzbekistan, khẳng định khoảng cách địa lý không thể là rào cản để hai nước phát triển quan hệ trên mọi lĩnh vực.
Một trong những kết quả quan trọng của cuộc hội đàm là việc ký Thỏa thuận Hợp tác đầu tiên giữa hai Quốc hội hai nước. Về sự kiện này, hai nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp nhấn mạnh hai nước cần phát huy những giá trị tốt đẹp của lịch sử quan hệ hai nước, tiếp tục làm sâu sắc hợp tác Việt Nam - Uzbekistan một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và các kênh, trong đó có kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu Nhân dân, trong đó trên cơ sở thỏa thuận mới ký kết, hai Quốc hội tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn, Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Nhóm nghị sỹ trẻ của Việt Nam và Nghị viện thanh niên của Uzbekistan, Nhóm nữ nghị sỹ Quốc hội; phát huy vai trò giám sát và đôn đốc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai bên đã ký kết…
Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội đồng IPU-150
Báo chí Uzbekistan cũng đưa tin, sự kiện tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 150 (IPI-150) lần đầu tiên ở Uzbekistan nói riêng và Trung Á nói chung là một sự kiện ngoại giao trọng đại. Với gần 90 sự kiện và cuộc tranh luận đã được tiến hành, trong đó có bài phát biểu quan trọng của một số diễn giả như Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đã góp phần làm nên thành công của kỳ Đại hội đồng. Tất cả đều nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của cơ quan lập pháp và thúc đẩy vai trò tích cực của Quốc hội trong việc đạt được tiến bộ và công bằng xã hội cho nhân loại.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan T. Narbayeva, Chủ tịch Viện lập pháp N. Ismoilov, Chủ tịch Liên minh Nghị viện liên bang Tulia Ackson và Tổng thư ký Martin Chungong nhấn mạnh rằng IPU-150 có ý nghĩa không chỉ vì tính chất lịch sử mà còn vì nội dung của sự kiện, tập trung vào sự phát triển của lĩnh vực xã hội như một điều kiện then chốt để củng cố mối quan hệ giữa xã hội và nhà nước, và để đảm bảo tăng trưởng bền vững ở tất cả các quốc gia.

"Liên minh Nghị viện Thế giới, với vị thế vững chắc, được tôn trọng và có tiếng nói riêng trên chính trường toàn cầu, đang tích cực tham gia vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển ngoại giao nghị viện, tăng cường các thể chế dân chủ, bảo vệ nhân quyền và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững", bà Tanzila Narbayeva, Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan cho biết. "Tổ chức hỗ trợ các cơ quan lập pháp quốc gia trong việc phát triển các chiến lược chung để giải quyết các mối đe dọa đương đại bằng cách tích hợp các thông lệ tốt nhất và kinh nghiệm tiên tiến. Đặc biệt trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, IPU đặt mục tiêu tăng cường vai trò của các nghị viện trong việc duy trì hòa bình và an ninh, giải quyết xung đột, phát triển luật pháp quốc tế và thúc đẩy chính sách đối ngoại hòa bình; đặc biệt chú ý đến nỗ lực bảo vệ nhân quyền tại các khu vực xung đột, ngăn ngừa bạo lực và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng".

Tại phiên toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu quan trọng trong khuôn khổ Chủ đề của IPU-150, trong đó nêu bật vai trò tiên quyết của Quốc hội trong quá trình mang lại “tiến bộ và công bằng xã hội”. Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, các nghị viện trước hết cần lấy tinh thần kiến tạo phát triển làm nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh của các nghị viện – bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát thực thi hiệu quả các chính sách phát triển mang tính bao trùm, toàn diện và đột phá. Trong quá trình đó, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm, thực sự khẳng định bản chất của cơ quan dân cử, lấy công bằng và tiến bộ xã hội làm thước đo cao nhất của sự phát triển.