Bước đi cần thiết trong bối cảnh mới
Theo zawya.com, luật mới thay thế đạo luật nợ đã hết hiệu lực từ năm 2017, cho phép chính phủ tiếp cận thị trường tài chính trong nước và quốc tế trong vòng 50 năm. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào hơn, mà còn giúp giảm phụ thuộc vào các quỹ dự trữ quốc gia - vốn từng là giải pháp tình thế trước đây.
Bộ trưởng Tài chính Kuwait, bà Noura Al-Fassam, khẳng định rằng việc thông qua đạo luật này phù hợp với Tầm nhìn 2035 của quốc gia, giúp tăng cường ổn định tài khóa và tạo điều kiện thuận lợi để ứng phó với các thách thức kinh tế toàn cầu. Bà nhấn mạnh, đây là bước đi cần thiết để Kuwait bắt nhịp với bối cảnh kinh tế hiện đại, đa dạng hóa nguồn thu và bảo đảm tính bền vững của tài chính công.

Kuwait không phải là quốc gia đầu tiên lựa chọn mở rộng vay nợ để giải quyết thâm hụt ngân sách và tài trợ cho các dự án phát triển. Nhiều quốc gia từng thành công với chính sách này như Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã vay nợ từ IMF và áp dụng các cải cách mạnh mẽ, tận dụng nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển, thúc đẩy đổi mới công nghệ và cơ sở hạ tầng. Đến nay, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế phát triển với tỉ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức kiểm soát được. Hay như Chile, nước này đã áp dụng quy tắc tài khóa nghiêm ngặt trong việc sử dụng nguồn thu từ đồng nội tệ và trái phiếu, giúp duy trì ổn định tài chính ngay cả khi giá đồng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực - sụt giảm.
Vay nợ - con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, ngược lại cũng có những trường hợp cảnh báo như Venezuela, từng sử dụng nguồn vay lớn để tài trợ chi tiêu thường xuyên thay vì đầu tư dài hạn. Khi giá dầu lao dốc, nước này không còn khả năng trả nợ và rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Lebanon là trường hợp điển hình khác, nơi vay nợ kéo dài để duy trì các khoản chi không hiệu quả, dẫn đến khủng hoảng nợ công và sụp đổ tài chính năm 2019.
Mặc dù luật mới mở ra khả năng tiếp cận nguồn vốn đa dạng, song các chuyên gia cho rằng nếu không có kỷ luật tài khóa và chiến lược sử dụng vốn rõ ràng, Kuwait có thể rơi vào cái bẫy nợ tương tự như các quốc gia nói trên.
Theo cố vấn kinh tế Mohammed Al-Asumi tại Dubai, luật mới là công cụ tài chính cần thiết, cho phép Kuwait bù đắp thâm hụt tài chính và tài trợ cho các dự án phát triển nếu doanh thu từ dầu mỏ giảm mà không cần phải rút trực tiếp từ dự trữ chung. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nếu nó bị lạm dụng, ví dụ như để chi trả lương hay các khoản chi thường xuyên – sẽ tạo nên sự phụ thuộc nguy hiểm và làm suy yếu nền tài chính quốc gia.
Trung tâm nghiên cứu Al-Shal tại Kuwait cũng đưa ra phân tích cho thấy, hiện nay chi tiêu công chiếm tới hơn 50% GDP, trong khi hiệu quả quản lý tài chính chỉ đạt 0,54 – thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 0,74. Theo trung tâm, việc bơm thêm vốn vay vào một hệ thống chi tiêu kém hiệu quả sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản, thậm chí còn làm trầm trọng thêm sự mất cân đối.
Ngân hàng Quốc gia Kuwait (NBK) thì đánh giá, luật mới mới được kỳ vọng sẽ giúp Kuwait thiết lập đường chuẩn lợi suất trái phiếu quốc gia - công cụ quan trọng để định giá các khoản vay và trái phiếu trong tương lai. Đây được xem là bước đệm để thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước phát triển mạnh hơn, đồng thời mở rộng nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn. Không chỉ vậy, việc thiết lập cơ chế vay vốn bài bản còn được kỳ vọng sẽ cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Kuwait trên thị trường quốc tế. Lần gần đây nhất Kuwait tham gia thị trường trái phiếu là vào năm 2017 khi nước này huy động được khoảng 2,5 tỷ KWD (8 tỷ USD) trái phiếu Eurobond kỳ hạn 5 và 10 năm. Lần gần đây nhất Kuwait tham gia thị trường trái phiếu là vào năm 2017 khi nước này huy động được khoảng 2,5 tỷ KWD (8 tỷ USD) trái phiếu Eurobond kỳ hạn 5 và 10 năm.
Song để đạt được những lợi ích trên, Kuwait sẽ cần minh bạch trong quản lý nợ, tăng cường giám sát chi tiêu và bảo đảm rằng các khoản vay thực sự được sử dụng vào đầu tư hạ tầng, giáo dục, công nghệ - thay vì “nuôi lớn” bộ máy hành chính và các khoản trợ cấp không bền vững.
Nói chung, theo các chuyên gia phân tích, luật về vay nợ mới của Kuwait cho thấy quốc gia này đang nỗ lực cải thiện tình hình tài khóa.Thực ra, vay nợ không phải là vấn đề - điều quan trọng là cách quản lý. Nếu được sử dụng để tái cơ cấu kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững, đây sẽ là cú hích cần thiết. Ngược lại, thiếu kỷ luật và minh bạch sẽ biến khoản vay 99 tỷ USD thành gánh nặng cho thế hệ sau.