Kinh tế sẽ là nội dung trọng tâm của Kỳ họp lần này khi tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hàng năm vào tháng 12.2021, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tăng “gấp ba lần áp lực” của việc thu hẹp nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng yếu hơn.
Sóng gió bên ngoài cũng đang gia tăng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng thắt chặt tiền tệ, các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn công nghệ của Trung Quốc và tình trạng giá cả hàng hóa và nguyên liệu tăng chóng mặt do căng thẳng địa chính trị. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine càng thêm phức tạp khi có thêm nhiều cuộc đối đầu giữa các cường quốc, vốn đang phải đối mặt với áp lực phục hồi kinh tế toàn cầu.
Vậy thế giới có thể mong đợi điều gì từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong Kỳ họp Lưỡng Hội lần này?
GDP và mục tiêu ổn định
Mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc, vốn là đầu tàu cho các chính sách kinh tế, sẽ được tiết lộ tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội vào hôm nay, 5.3. Trong dự thảo Báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Bắc Kinh dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng trên 5%, đặt trọng tâm vào yếu tố “ổn định”. Một số cố vấn lập luận rằng, việc duy trì mục tiêu khoảng 5,5% sẽ phù hợp hơn trong khi một số ý kiến đề xuất phạm vi mục tiêu từ 5 - 5,5%. Vào năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế “trên 6%” nhưng cuối cùng với tổng sản phẩm quốc nội tăng 8,1%.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hàng năm diễn ra vào tháng 12.2021, giới chức Trung Quốc đã đặt từ "ổn định" lên hàng đầu trong quá trình ra quyết định kinh tế cho năm 2022. Nỗ lực ổn định kinh tế đã được chứng minh bằng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, tài khóa và tín dụng mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm nay; bao gồm hai chính sách cắt giảm lãi suất quan trọng - khoản cho vay mới kỷ lục 3,98 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 629 tỷ USD) vào tháng 1 và đợt hạn ngạch trái phiếu đặc biệt trị giá 1,46 nghìn tỷ Nhân dân tệ đầu tiên được phát hành.
Tỷ lệ thâm hụt tài khóa và hạn ngạch trái phiếu mục đích đặc biệt của Trung Quốc sẽ là những thông số chính để kiểm tra quy mô của các kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh trong năm tới. Bắc Kinh cũng phải cân bằng các mục tiêu cạnh tranh về giảm phát thải carbon và tăng trưởng kinh tế.
“Quốc hội có khả năng sẽ nhắc lại lập trường mềm mỏng hơn của mình trong việc xóa bỏ đòn bẩy tài chính, cho phép nhiều nguồn tài trợ chảy vào cơ sở hạ tầng và nhà ở, cũng như thực hiện linh hoạt hơn giới hạn cường độ sử dụng năng lượng”, Société Générale, một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn của châu Âu, nhận định.
Chính sách "Zero Covid"
Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đã bước sang năm thứ ba, và giới chức nước này sẽ phải cân nhắc về những tác động của nó đối với nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và cuộc sống của người dân.
Khác rất nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, vốn có xu hướng áp dụng cách tiếp cận “sống chung với Covid”, chính sách "Zero Covid", mặc dù mang lại khả năng ngăn ngừa lây nhiễm tốt hơn cho Trung Quốc, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trao đổi quốc tế.
Phiên họp Quốc hội năm nay sẽ là cơ hội quan trọng để các nhà lập pháp nước này xem xét có nên điều chỉnh trong cách tiếp cận hay không. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, có thể giới chức Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chiến lược này bởi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tương đối mạnh và mục tiêu của Bắc Kinh là tìm kiếm sự “ổn định” trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX, cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay, dự kiến sẽ chứng kiến một cuộc cải tổ trong đội ngũ lãnh đạo.
Nạn thất nghiệp
Thất nghiệp đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại sau khi đại dịch Covid-19 giáng một đòn nặng nề vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn sử dụng hơn 80% lực lượng lao động thành thị của Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát chính thức đã ổn định sau những cú sốc ban đầu vào đầu năm 2020. Tỷ lệ này giảm từ 6% vào tháng 4.2020 xuống còn 5,1%, khả quan hơn so với mục tiêu của chính phủ là 5,5%.
Sinh viên đại học, công nhân nhập cư và cựu quân nhân là ba nhóm chính được quan tâm. Con số kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở những người từ 16 - 24 tuổi là 14,3% vào tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, chất lượng việc làm đang giảm sút do Chính phủ chủ trương tạo việc làm linh hoạt, bao gồm cả nhân viên giao hàng và blogger, vốn đã thu hút 200 triệu lao động.
Tỷ lệ sinh sản giảm và nguy cơ già hóa dân số
Dân số Trung Quốc tăng chưa đầy nửa triệu vào năm ngoái, nhưng tỷ lệ sinh sản giảm liên tiếp 5 năm qua. Vào năm ngoái, số lượng trẻ được sinh ra là 10,62 triệu trẻ, giảm 11,5% so với năm 2020, góp phần làm tăng dân số tổng thể chỉ 480.000 người.
Trước xu hướng suy giảm tỷ lệ sinh, Trung Quốc đã lần đầu tiên dỡ bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm ngoái, khi cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xem xét một loạt biện pháp hỗ trợ khác như trợ cấp cho các gia đình sinh thêm con…
Các nhà kinh tế đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ mất đi lợi thế về nhân khẩu học, điều đã giúp tạo nên điều kỳ diệu kinh tế của nước này trong bốn thập kỷ qua. Xu hướng này cũng đang là mối đe dọa đối với năng suất dài hạn và tăng trưởng tiềm năng của đất nước.
Dân số Trung Quốc cũng đang già đi, với những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 18,9% tổng dân số ở mức 267,36 triệu người vào năm ngoái. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ bổ sung và chi tiết hơn về việc lùi độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc cũng có thể được công bố.
Mối quan tâm đối ngoại
Trong bối cảnh quan hệ của Trung Quốc với thế giới phương Tây ngày càng trở nên khó khăn, thì vấn đề đối ngoại đã trở thành một chủ đề được đặc biệt chú ý trong các cuộc họp quan trọng gần đây, vốn trước đó chủ yếu để giải quyết các vấn đề đối nội.
Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với mức thuế cao và tiếp tục bị Mỹ ngăn cản về công nghệ. Nước này cũng có thể phải đối mặt với các biện pháp giám sát kỹ lưỡng hơn sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh bỏ sót một số mục tiêu trong Thỏa thuận Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đang đặt ra thử thách mới đối với Bắc Kinh, khi mọi động thái của nước này đang được theo dõi chặt chẽ. Lập trường của Trung Quốc có thể làm suy yếu mối quan hệ kinh tế của nước này với Liên minh châu Âu và các nền kinh tế phát triển khác.
Ngân sách quốc phòng
Ngân sách quốc phòng thường được coi là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đánh giá như thế nào về an ninh quốc gia. Ngân sách của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 1,38 nghìn tỷ Nhân dân tệ (218 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 6,8% so với một năm trước đó; chiếm 1,77% GDP vào năm 2020, thấp hơn 3,74% ở Mỹ. Việc tăng ngân sách quốc phòng cho thấy Trung Quốc tiếp tục dè chừng cao độ với những diễn biến ở biên giới với Ấn Độ, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và tình hình Biển Đông.