Tại thảo luận tổ chiều nay, đa số ĐBQH đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đã phân tích cụ thể, kỹ lưỡng, sát thực tế các điều, khoản trong Tờ trình Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Liên quan đến TAND sơ thẩm chuyên biệt, tại điểm đ, khoản 1, Điều 4; Điều 62 và 63 Dự thảo Luật quy định, trong tổ chức của TAND gồm có: TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử sơ thẩm các vụ việc đặc thù theo quy định của pháp luật... các ĐBQH cơ bản tán thành quy định trong tổ chức TAND có TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các Thẩm phán, Hội thẩm của TAND sơ thẩm chuyên biệt có trình độ, chuyên môn sâu, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc này. Khi thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể phải lập Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là vấn đề mới, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt phải phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
Góp ý về vấn đề này, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu quan điểm: việc thành lập toàn án sơ thẩm chuyên biệt là cần thiết, nhưng không phải nơi nào cũng thành lập mà nên quy định cụ thể theo từng khu vực.
Đồng tình với ý kiến trên, các ĐBQH cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể, số lượng và địa vị pháp lý của các Tòa án này; mối quan hệ của Tòa án này với cấp ủy Đảng, HĐND và các cơ quan hữu quan khác tại địa phương. Mặt khác, đề nghị quy định cụ thể các TAND sơ thẩm chuyên biệt (về sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính…) ngay trong dự thảo Luật.
Về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (tại khoản 1 Điều 4, Dự thảo Luật quy định: Tổ chức của TAND bao gồm: TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm...), đa số các ĐBQH đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung; các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử”. Bên cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…); phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, như: các luật tố tụng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) phân tích thêm, việc đổi tên từ tòa cấp tỉnh, cấp huyện sang tòa phúc thẩm, sơ thẩm, về bản chất, chức năng không có gì thay đổi, phạm vi thẩm quyền không thay đổi, thì việc đổi tên là không cần thiết. Chưa kể, việc đổi tên sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như: đổi biển tên cơ quan, đổi con dấu, các loại giấy tờ, các tài liệu… Theo đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh như quy định của Luật hiện hành.
Tại thảo luận tổ, các ĐBQH cũng tán thành với việc bổ sung thêm thẩm quyền của TAND về xét xử vi phạm hành chính, quyết định vấn đề liên quan đến quyền của con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nếu không có sự đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng, sau khi luật ban hành sẽ không xác định được tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, cơ sở con người, thiết kế hệ thống tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức thẩm phán để thực hiện. Do đó, cơ quan soạn thảo tính toán, bổ sung chi tiết để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các đại biểu đề nghị.