Vượt 130,3% kế hoạch năm
Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động của tỉnh Thanh Hóa. Số lao động tuyển dụng trong năm của các thị trường này lần lượt là 5.500, 4.500 và 3.300 người. Các ngành nghề tuyển dụng chủ yếu là: Nông nghiệp, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may và cơ khí – kim loại, chế biến thủy sản.
Để có nguồn lao động chất lượng, các đơn vị cung ứng đã tăng cường công tác tư vấn, tuyển dụng, đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động.
Hiện, các đơn vị xuất khẩu lao động đang từng bước mở rộng thị trường sang các nước châu Âu như: Đức, Hy Lạp, Hunggary… Với các lợi thế: chi phí hợp lí, thu nhập tốt, nhu cầu tuyển dụng rộng, thị trường xuất khẩu lao động mới này đang "hút" nhiều lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị cung ứng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người lao động trong việc tìm kiếm thông tin và kết nối thị trường lao động, hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình đào tạo, hỗ trợ người lao động sau xuất cảnh…
Các địa phương ngày càng làm tốt hơn việc lựa chọn các doanh nghiệp uy tín để nhân dân trên địa bàn có nhiều cơ hội việc làm. Đặc biệt, hàng loạt các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho các lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội và khuyến khích lao động tham gia các chương trình xuất khẩu lao động.

(Ảnh: Thiên Anh)
Phó Giám đốc tuyển dụng Công ty CP Hợp tác nhân lực Quốc tế Vinaco Lê Phạm Việt cho biết: "Khi tuyển dụng lao động đầu vào, công ty phải sàng lọc lao động theo nhu cầu của các bạn đi từng thị trường, như đi châu Âu bắt buộc phải học được tiếng Anh. Có Tiếng Anh tốt sẽ được làm việc trong môi trường tốt, như vậy mới có thu nhập tốt".
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã đưa trên 13.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 130,3% kế hoạch năm. Hiện nay, các đơn vị cung ứng nhân lực xuất khẩu lao động đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn lao động và tìm kiếm đối tác mới để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là ở thị trường tiềm năng.
Doanh nghiệp và chính quyền cùng vào cuộc
Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thực hiện giới thiệu 55 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và 10 doanh nghiệp tuyển lao động trong nước về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn. Phối hợp, tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận cho người lao động tại 6 huyện miền núi.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8.2024, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 507.665 người, tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước, với tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tham gia bảo hiểm xã hội đạt 29,73%.
Trong đó, có 421.782 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 95,89% kế hoạch năm và có 85.883 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 68,5% kế hoạch năm; tổng số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 397.093 người, đạt 96,12% kế hoạch năm, trong đó tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 23,26%.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung cấp, trường cao đẳng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2024; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm.