Tăng thu nhập cho người dân
Được sự tư vấn, tuyên truyền của chính quyền địa phương, năm 2023, anh Lường Văn Thích ở thôn Bản Ngoa, xã Phúc Sơn đã vay mượn tiền của anh em và đăng ký đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản. Sau khi học tiếng xong, hoàn thiện các thủ tục, ngày 16.2.2024, anh Thích đã đủ điều kiện sang Nhật Bản xuất khẩu lao động (XKLĐ). Với ngành nghề vận hành thiết bị xây dựng, nhờ bản tính chịu khó, nghề xây dựng ổn định đã mang lại thu nhập khá cho anh Thích nơi xa xứ. Từ đó đến nay, anh đã gửi tiền về giúp gia đình đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng nhà cửa khang trang, vươn lên thoát nghèo.
Cũng giống như anh Thích, năm 2024, biết thị xã Nghĩa Lộ có chương trình phối hợp với Công ty XKLĐ Thịnh Long - Hà Nội đưa lao động sang làm việc theo hợp đồng tại Qatar, anh Hà Văn Thương ở thôn Bản Ngoa đã mạnh dạn đăng ký tham gia và được địa phương xét duyệt. Sau khi học xong tiếng, hoàn tất các thủ tục, vay vốn, tháng 8.2024, anh đã sang Qatar làm việc với công việc lắp ráp nhà xưởng.
Chị Nguyễn Thị Mùi - vợ anh Thương cho biết: "Vốn đã quen với công việc lắp ráp nhà xưởng, cộng thêm có sức khỏe và chịu khó, trung bình mỗi tháng, thu nhập của chồng tôi đạt từ 25 - 30 triệu đồng. Từ khi anh ấy đi XKLĐ, tiền hàng tháng gửi về đều nên kinh tế gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều. Ngoài có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, gia đình cũng dành dụm được khoản nho nhỏ. So với ở nhà làm nông nghiệp thì số tiền này gia đình cũng chưa bao giờ nghĩ tới”.
Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, Phúc Sơn luôn tạo điều kiện về thủ tục để người lao động tiếp cận vốn vay khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, xã cũng luôn kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động; phối hợp với Công ty XKLĐ Thịnh Long - Hà Nội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã tư vấn giới thiệu việc làm tại các thôn bản, trụ sở UBND xã…
Đến nay, toàn xã có trên 50 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Riêng 11 tháng năm 2024, có 23 lao động làm việc ở các thị trường: Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… với các công việc: hàn xì, cơ khí, lắp ráp nhà xưởng, chế biến thực phẩm, nông sản, điều dưỡng…
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Phúc Sơn chỉ là một trong những xã của tỉnh Yên Bái triển khai tốt việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc. Đây lần đầu tiên tỉnh Yên Bái ban hành Đề án đưa lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2024 - 2030, với nhiều chính sách nhằm khai thác tiềm năng của thị trường lao động địa phương và đáp ứng nhu cầu việc làm ngoài nước của người lao động.
Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nên giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã có 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường chủ yếu như: Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga... Thu nhập của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cao hơn từ 2 đến 3 lần so với thu nhập trong nước cùng ngành nghề, trình độ.
Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động, người cao nhất là trên 670 triệu đồng/người/năm, thấp nhất là 120 triệu đồng/người. Tuy nhiên, do trình độ tay nghề, ngoại ngữ của NLĐ còn hạn chế, cũng như phong tục tập quán và tâm lý ngại đi làm việc xa nhà của người dân, nên hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Yên Bái vẫn chưa phát huy tiềm năng của thị trường lao động địa phương và nhu cầu việc làm ngoài nước của người lao động.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Quang Minh cho biết, việc XKLĐ đã góp phần giảm nghèo bền vững, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn...
Tại Kỳ họp thứ 17 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài; học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài giai đoạn 2024 – 2026.
Tỉnh Yên Bái cũng xây dựng chính sách hỗ trợ và kinh phí để thực hiện mục tiêu đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài; học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến giai đoạn 2024-2030 là 1.004.930 triệu đồng. Kinh phí dự kiến giai đoạn 2024-2026 là 288.460 triệu đồng, dự kiến hỗ trợ 3.000 lao động. Trong đó, 1.500 lao động được hỗ trợ theo chính sách của trung ương và hỗ trợ cấp bổ sung theo chính sách của tỉnh, 1.500 lao động không thuộc diện hỗ trợ từ chính sách của trung ương được hỗ trợ từ chính sách của tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí ban đầu cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn tối đa đến 18 triệu 370 ngàn đồng để đào tạo nghề, ngoại ngữ; chi phí ăn ở, đi lại, đồ dùng cá nhân, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; chi phí làm thủ tục cấp hộ chiếu/giấy thông hành/giấy phép xuất cảnh; chi phí cấp phiếu lý lịch tư pháp; làm thủ tục xin cấp thị thực (visa); chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn với lãi suất bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Theo đó, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn được vay tối đa 100 triệu đồng, NLĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài ngắn hạn được vay tối đa 40 triệu đồng.